Hỏi: Vì sao con tôi chảy mũi xanh và sốt đến 38,50C mà bác sĩ điều trị không kê đơn kháng sinh. Vì sao lại nói dùng nhiều kháng sinh sẽ gây kháng thuốc, sau này sẽ không có thuốc để chữa trị?
Nguyễn Thị Thảo
(phường 3, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Bác sĩ đã khám cho con chị và biết phần lớn các trường hợp sốt, ho, sổ mũi, đau bụng ở trẻ là do siêu vi trùng (vi rút). Thuốc kháng sinh không có hiệu lực đối với siêu vi trùng, mà chỉ có tác dụng hữu hiệu đối với vi khuẩn. Có rất nhiều loại thuốc kháng sinh, vài loại thông dụng mà nhiều người quen tên như: penicillin, ampicilin, gentamycin, erythromycin, lincocin, cephalexin,…
Về việc nước mũi cháu có màu vàng (vàng, vàng xanh) hay thay đổi độ đặc của dịch mũi và đờm trong vài ngày, không phải do nhiễm vi khuẩn. Nếu nước mũi dơ, nhầy hoặc ho có đờm kéo dài hơn 1 tuần và sốt trong 3-4 ngày, nên đem cháu đi khám lại. Có thể lúc đầu chỉ nhiễm siêu vi, nhưng về sau đã bội nhiễm thêm vi khuẩn.
Bác sĩ không cho dùng kháng sinh ngay từ đầu để phòng bệnh, vì như vậy, vừa không loại trừ được siêu vi vừa không ngăn ngừa được sự bội nhiễm.
Kê đơn kháng sinh một cách “dễ dãi” có thể làm xuất hiện một viêm nhiễm khác bởi những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Môi trường có nhiều thuốc kháng sinh, có thể kích thích quá trình biến chủng của vi khuẩn thành những chủng kháng thuốc; hoặc kháng sinh làm tiêu diệt các chủng vi khuẩn nhạy cảm, tạo cơ hội cho những chủng kháng thuốc (có sẵn) sinh sôi phát triển. Các vi khuẩn kháng thuốc này không chỉ gây bệnh cho con bạn mà có thể lây lan sang người khác gây nguy hiểm cho người thân trong nhà và cho cả cộng đồng (gây một bệnh nhiễm khuẩn mới bởi chủng kháng thuốc).
Đối với trẻ khi bị ho sốt, có thể hạ nhiệt bằng cách cho cháu mặc thoáng mát, lau mát với nước ấm trong 10 phút. Nếu cháu sốt cao trên 390C, có thể cho uống thêm thuốc hạ nhiệt paracetamol, thuốc cũng có tác dụng giảm đau nhức mình, giảm đau đầu. Cho trẻ uống nhiều nước. Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc dùng dụng cụ hút mũi (có bán ở các hiệu thuốc tây).
BS ĐOÀN VĂN HẢI