Thứ Tư, 02/10/2024 09:37 SA
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm:
Trách nhiệm không của riêng ai
Thứ Hai, 18/04/2011 07:30 SA

Chủ đề của Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2011 là: “Sản xuất - kinh doanh - sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm”. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

tam-ctt110418.jpg

Ông Nguyễn Văn Tâm. - Ảnh: T.THỦY

* Luật An toàn thực phẩm có gì khác so với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm trước đây, thưa ông?

 

- Trong Pháp lệnh VSATTP, phân cấp 8 ngành tham gia quản lý công tác này, nhưng trong Luật An toàn thực phẩm chỉ còn 3 ngành là Y tế, Nông nghiệp -Phát triển nông thôn, Công Thương chịu trách nhiệm quản lý. Trước đây, khâu quản lý đầu vào từ chế biến, bảo quản, vận chuyển thuộc về ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, còn ngành Y tế đảm bảo phần sau (sản phẩm và trên bàn ăn), nhưng theo Luật An toàn thực phẩm thì giao cho một ngành chịu trách nhiệm quản lý theo mảng thực phẩm: Ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quản lý rau, củ quả, thịt cá…, ngành Y tế quản lý thực phẩm của các nhà hàng khách sạn, thực phẩm chức năng, phụ gia…, ngành Công Thương quản lý về rượu, nước giải khát, siêu thị, chợ…

 

Ưu điểm của luật là khi xảy ra sự việc ở góc độ nào thì ngành quản lý mảng đó chịu trách nhiệm chính. Tuy vậy, cũng có những sản phẩm khó phân biệt trách nhiệm của bên quản lý, ví dụ trong chả lụa có thịt, có phụ gia thì phải hai ngành Y tế và Nông nghiệp cùng chịu trách nhiệm, sẽ gây chồng chéo; còn siêu thị giao cho ngành Công Thương quản lý nhưng trong đó có nhiều sản phẩm thuộc ngành khác quản lý…

 

* Ông có thể đánh giá về tình hình thực hiện công tác đảm bảo VSATTP hiện nay ở Phú Yên?

 

- An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian qua, công tác VSATTP được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm đã có nhận thức đúng để cung cấp cho người tiêu dùng nhiều thực phẩm an toàn. Đối với người tiêu dùng, bằng nhiều kênh tuyên truyền, họ đã hiểu và tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất VSATTP. Công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP từng bước được củng cố về mọi mặt, như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP được hoàn thiện; bộ máy tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước về VSATTP đang từng bước được kiện toàn từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố; đã có thanh tra chuyên ngành VSATTP tại cấp tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý và đảm bảo chất lượng VSATTP có tiến bộ rõ rệt, như điều kiện VSTATP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bước đầu được cải thiện. Ô nhiễm vi sinh vật trong một số sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản… có chiều hướng giảm; số người bị ngộ độc thực phẩm trên 30 người không xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật VSATTP đã bước đầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng.

 

* Khó khăn nhất hiện nay trong công tác quản lý VSATTP là gì, thưa ông?

 

- Ở các nước, vấn đề quan trọng nhất họ quan tâm là sản phẩm, nguyên liệu đầu vào. Ở nước ta nói chung và ở Phú Yên nói riêng, nguyên liệu đầu vào thường không ổn, quản lý còn lỏng lẻo. Ví dụ khó quản lý việc cá bị ướp urê ngoài biển, và việc người trồng trọt dùng thuốc bảo vệ thực vật cho rau, củ với liều lượng cao.

 

Kinh doanh nhỏ lẻ cũng là một cản trở lớn trong vấn đề đảm bảo VSATTP. Hầu hết các cơ sở chế biến theo cách của riêng mình, mặc dù đã tham gia các khóa tập huấn. Ví dụ việc trồng rau, nông dân vẫn trồng riêng một luống để bán (dùng nhiều thuốc kích thích) và một luống để ăn, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt thực phẩm sạch bằng mắt thường.

 

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn sử dụng cá nóc, thịt cóc mà không biết cách lấy độc tố. Song, đáng lo ngại nhất là người tiêu dùng phải sử dụng thực phẩm có hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng tích lũy ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi sau này.

 

kiem-tra-tp-110418.jpg

Ngành chức năng kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng thực phẩm đóng chai tại chợ Tuy Hòa. - Ảnh: T.THỦY

 

* Đâu là giải pháp để Phú Yên thực hiện tốt công tác đảm bảo VSATTP?

 

- Phú Yên đang xây dựng đề án: “Tăng cường năng lực hệ thống VSATTP tuyến tỉnh, thành phố”, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của UBND các cấp, coi công tác VSATTP là nhiệm vụ chính trị, đưa mục tiêu này vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng, VSATTP… Phổ biến sâu rộng Luật An toàn thực phẩm cho nhà sản xuất để họ xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, nhà quản lý tăng cường giám sát, tuyên truyền hướng dẫn  người dân thực hiện đúng luật. Riêng trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay (15/4-15/5), chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm và đẩy mạnh thanh kiểm từ tỉnh đến cơ sở.

 

Thời gian tới, cần hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP tuyến tỉnh. Đối với cấp huyện cần có tổ VSATTP thuộc trung tâm y tế dự phòng hoặc trung tâm ATVSTP.

 

*Xin cám ơn ông!

 

VŨ HOÀNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek