Chủ Nhật, 06/10/2024 23:14 CH
Sức khỏe ngày xuân và những điều cần lưu ý
Chủ Nhật, 25/01/2009 09:21 SA

Tết là dịp để mọi người cùng nhau gặp gỡ, vui chơi, ăn uống, nhưng cũng là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn thương tích và là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh lý phát triển. Do đó, vui xuân, mọi người nên chú ý đến việc phòng bệnh, tự xử trí đúng cách khi xảy ra tai nạn cho bản thân và đặc biệt là cho trẻ em, người cao tuổi.

be-090125.jpg

Trẻ em cần được đảm bảo an toàn khi vui Xuân - Ảnh minh họa

Không để trẻ ngồi trước xe máy

Mặc dù trẻ em là đối tượng không bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo việc đội mũ bảo hiểm ở trẻ em là rất cần thiết.

Theo dự báo, thời tiết trong mấy ngày Tết sẽ rất lạnh, do đó, cha mẹ đặc biệt chú ý không được để trẻ đứng, ngồi đằng trước xe máy khi đi chơi hoặc đi về quê trên quãng đường dài. Bởi dịp Tết năm ngoái đã từng xảy ra trường hợp trẻ bị tử vong do quá lạnh khi cha mẹ cho ngồi trước xe máy đi về quê.

Để xa tầm tay trẻ em những món ăn nóng

Ngày Tết, nhà nào cũng nấu nhiều món ăn, vì thế, khi nấu xong các thức ăn nóng, nên để thức ăn xa tầm với của trẻ. Không cho trẻ nghịch lửa và các vật dễ cháy nổ như diêm, ga, bật lửa, xăng dầu.

Nhiều bệnh nhân khi bị bỏng đã không được hoặc được xử trí nhưng không đúng cách làm cho bệnh nhân bị lạnh, khi nhập viện gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Tuyệt đối không bôi nước mắm, muối, kem đánh răng hoặc thuốc nam không rõ nguồn gốc… lên người trẻ khi xảy ra bỏng. Nếu bỏng độ I (tổn thương thượng bì với tình trạng xung huyết) có thể tự xử lý kỳ đầu bằng cách rửa nước lạnh, dùng kem làm dịu vết bỏng. Nếu bỏng độ II, III, IV tốt nhất là đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cứu ban đầu.

Ăn cỗ đông người, người cao tuổi dễ bị nghẹn

Trong khi ăn, khi người cao tuổi tự nhiên có biểu hiện khó nuốt, nấc, nôn oẹ rồi ho dữ dội, nói không ra tiếng, có trường hợp nghẹt thở... người nhà cần chú ý cấp cứu ngay tại chỗ, đồng thời báo cho bác sỹ đến trợ giúp. Đối với trường hợp người nghẹn vẫn tỉnh táo, hãy để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người ra phía trước.

Động viên họ ho mạnh nhằm tạo ra dòng khí quản thúc đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp, người cấp cứu đứng phía sau đập mạnh vào vùng lưng. Còn nạn nhân bất tỉnh, hãy cho nằm nghiêng người, người cấp cứu lấy 1 ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, tay kia đập mạnh vào vùng lưng. Khi vẫn chưa có kết quả thì phải ép ngực làm hô hấp nhân tạo.

Để hạn chế tối đa bệnh nghẹn, người cao tuổi cần lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, tập trung khi ăn uống, không nói chuyện, mải nghĩ và bực mình trong bữa ăn.

Uống nước trà xanh phòng nhiệt miệng

Thức ăn ngày Tết thường có nhiều vị nóng, do đó mọi người rất hay bị nhiệt miệng.

Để phòng bệnh, tốt nhất nên hạn chế thức ăn có các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu... và nên ăn nhạt, ăn nhiều hoa quả, rau, uống nhiều nước lọc, nước nhân trần. Đặc biệt, trà xanh là một trong những dạng tinh chất được khuyến khích dùng để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng vì hoạt chất kháng ô-xy hóa trong trà xanh có tác dụng thu ngắn thời gian phát tán của siêu vi.

Theo HNM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek