Chủ Nhật, 06/10/2024 02:23 SA
Bảo vệ trẻ trước bệnh tay chân miệng
Thứ Hai, 10/07/2023 10:21 SA

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, xử trí kịp thời. Nguồn: tytphuongtamphu

Bệnh tay chân miệng khi diễn biến nặng sẽ rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc bệnh tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.

 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Nhóm virus này bao gồm nhiều loại khác nhau như Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác.

 

Bệnh tay chân miệng chủ yếu do Coxsackievirus A16 gây ra, ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, bao gồm Enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

 

Bệnh truyền nhiễm cấp tính này lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc qua tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.

 

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi với các biểu hiện như: sốt (trên 37,50C), loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi) và/hoặc phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối. Hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ.

 

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

 

Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tại Phú Yên, tính đến ngày 7/7, 42 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng được ghi nhận, trong đó có 2 trường hợp tử vong, đều là trẻ em.

 

Địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là huyện Tuy An: 18 ca; TP Tuy Hòa ghi nhận 9 ca và huyện Tây Hòa 6 ca. Tính đến thời điểm này, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh nhìn chung thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và trung bình 5 năm, nhưng có chiều hướng phức tạp. Số ca mắc tăng mạnh từ tuần 24 và có 2 ca tử vong trong thời gian 1 tuần.

 

Bệnh tay chân miệng khi diễn biến nặng sẽ rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc bệnh tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.

 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan.

 

Chúng ta cần thực hiện một số biện pháp như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm, tráng nước sôi); bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.

 

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

 

Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng diễn biến nhẹ. Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

 

BS NGUYỄN CHÍ LINH

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek