Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang triển khai chương trình đánh giá tình trạng sử dụng muối và các gia vị mặn có i-ốt trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đánh giá được thực hiện tại 40 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động của chương trình gồm: điều tra tình hình sử dụng muối và các gia vị mặn có i-ốt tại các hộ gia đình, khảo sát các điểm bán muối và các gia vị mặn có i-ốt, lấy mẫu muối hoặc mẫu bột canh, hạt nêm các gia đình thường sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày để test nhanh; lấy mẫu nước tiểu đại diện tại các hộ gia đình.
Mục tiêu của chương trình nhằm tìm hiểu tình trạng sử dụng muối và các gia vị mặn có chứa i-ốt trong các bữa ăn hàng ngày tại các hộ gia đình, cũng như phát hiện kịp thời các hộ gia đình có sử dụng muối i-ốt chưa đạt trong các bữa ăn hàng ngày và tìm hiểu các nguyên nhân gây cản trở việc sử dụng muối i-ốt tại các hộ gia đình; từ đó tư vấn, tuyên truyền hướng dẫn các giải pháp để cải thiện tình trạng sử dụng muối i-ốt tại các hộ gia đình.
Trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu i-ốt gây ra, như: dễ sẩy thai, thai chết lưu, trẻ dễ bị các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ. Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện thường gặp liên quan đến thiếu i-ốt.
QUỐC HỘI