Trong những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp bị chó cắn, trong đó có những người chủ quan, không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Một trường hợp tử vong do bệnh dại vừa được ghi nhận ở Tây Hòa. Cái chết đau lòng là lời cảnh báo người dân đừng đánh cược tính mạng của mình sau khi bị chó cắn.
Sự nguy hiểm của bệnh dại
Người đàn ông vừa tử vong do bệnh dại sinh năm 1978, ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Theo báo cáo điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), khoảng đầu tháng 12/2022, người này nuôi 3 con chó (1 chó mẹ và 2 chó con), chưa tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trong quá trình nuôi, ông bị chó mẹ cắn ở ngón tay trái nhưng chỉ sát khuẩn vết thương, không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ngày 3/12/2022, chó con của nhà ông cắn vào chân trái một bé gái, và cũng từng cào vào tay một phụ nữ ở cùng thôn trước khi mất tích. Bé gái được đưa đi tiêm đủ 5 mũi vắc xin phòng dại, còn người phụ nữ thì không. Trong khoảng thời gian trên, chó mẹ đến cắn 2 con chó nhà ông G ở cùng thôn và bị ông G đánh chết. Khoảng 2 ngày sau, chó nhà ông G chết. Điều đó cho thấy, chó mẹ rất nguy hiểm, có thể đã mắc bệnh dại. Lúc này, nếu bệnh nhân đến cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh dại thì vẫn còn có khả năng được cứu sống. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu về cái chết đã được báo trước, người bị chó cắn vẫn không đi tiêm phòng!
Sau hơn 3 tháng, bệnh khởi phát với triệu chứng sốt, mệt mỏi. Đến nhà thuốc tư nhân mua thuốc về uống, bệnh nhân được tư vấn đến bệnh viện để được khám và điều trị. Ngày 11/3, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng…, được chẩn đoán mắc bệnh dại. Điều này đồng nghĩa khả năng bệnh nhân được cứu sống hoàn toàn bằng không! Sau đó gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Sáng 14/3, bệnh nhân tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tú (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Phú Yên CDC) - người tham gia điều tra dịch tễ về ca tử vong do bệnh dại nói trên - có 8 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Bác sĩ Tú đã tư vấn, hướng dẫn những người này đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trong 2 ngày 9-10/3, tại thôn Phú Long, xã An Mỹ (huyện Tuy An) xảy ra trường hợp 1 con chó cắn 4 người trong thôn. Sau khi bị chó cắn, có 3 người đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại, còn 1 người đi mua... 2 thang thuốc nam về sắc uống! Đến ngày 11/3, nghe tin chó cắn nhiều người trong xóm và chó đã chết, người này đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên để tiêm huyết thanh kháng dại, nhưng chưa tiêm vắc xin phòng dại.
Bị chó cắn, hãy tiêm vắc xin để bảo vệ tính mạng
Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi lên cơn dại thì khả năng tử vong gần như là 100%. Không ít người khi bị chó cắn cho rằng chó nuôi trong nhà cắn thì không sao, hoặc vết cắn nhẹ, chỉ cần sát khuẩn là được, không cần phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Hậu quả là, đã có người phải trả giá cho sự chủ quan đó bằng mạng sống.
BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, cho biết: Đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại hay tiêm huyết thanh kháng dại là việc phải làm ngay sau khi bị chó cắn, nhưng không ít người vẫn chủ quan, không thực hiện. Đã có những cái chết đau lòng do bệnh dại mà lẽ ra có thể tránh được. Đó là những cái chết do thiếu hiểu biết, chủ quan.
Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, nếu vết cắn nặng, sâu, vết cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, bộ phận sinh dục, đầu chi thì ngoài việc tiêm vắc xin còn tiêm huyết thanh kháng dại nhằm trung hòa bớt lượng virus và kéo dài thời gian ủ bệnh, để vắc xin tạo được miễn dịch cho cơ thể.
Sau khi bị chó cắn, có những trường hợp chỉ 10 ngày là khởi phát bệnh dại, tuy nhiên cũng có những trường hợp hơn 1 năm mới phát bệnh. Do đó, một khi đã bị chó cắn, dù vết cắn nông hay sâu, bà con phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn điều trị dự phòng kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà; không được sử dụng thuốc nam hoặc làm theo các biện pháp được truyền tai nhau để xử trí vết thương. Tiêm vắc xin phòng dại đúng và kịp thời là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người khi bị chó cắn.
Phú Yên CDC đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương giám sát những trường hợp tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại trên địa bàn, kịp thời vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm virus dại đến cơ sở y tế tiêm huyết thanh kháng dại và tiêm vắc xin dự phòng dại. Các trung tâm phối hợp với ngành Thú y tại địa phương trong công tác điều tra, giám sát các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người; tăng cường chia sẻ thông tin về quản lý, giám sát và tiêm vắc xin cho đàn chó, mèo; phát hiện các ổ dịch dại trên động vật, kịp thời thông báo cho người dân, chính quyền địa phương biết; tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại và dự phòng sau phơi nhiễm với virus dại... |
QUỐC HỘI