Được xem là kẻ giết người thầm lặng, bệnh lao đang là gánh nặng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nhóm bệnh lao, lao phổi thường gặp nhất. Người mắc bệnh lao phổi trở thành nguồn lây cho những người chung quanh nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
BSCKI Nguyễn Văn Quân, Phó trưởng Khoa Lao Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, khám một bệnh nhân lao. Ảnh: YÊN LAN |
Theo Bộ Y tế, đầu tư để chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao đồng nghĩa với việc tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 12.000 người mỗi năm và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Mấu chốt trong phòng chống lao
Ông N.V.C (59 tuổi, ở TX Đông Hòa) là một trong hàng chục bệnh nhân lao phổi đang điều trị tại Khoa Lao, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân rất mệt. Trong thời gian đầu điều trị, do tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân bị vàng mắt, vàng da. Sau đó, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi. Được theo dõi và xử trí kịp thời, tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Ông C cho biết: “Sức khỏe của tôi đang tốt lên”.
Theo thông tin từ Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên, trên địa bàn tỉnh có 557 bệnh nhân lao đang điều trị. Điều mà các bác sĩ chuyên khoa Lao trăn trở nhất là bệnh nhân đến cơ sở y tế muộn, tiếp cận điều trị muộn. BSCKI Nguyễn Văn Quân, Phó trưởng Khoa Lao Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Nhiều trường hợp mắc bệnh lao phổi, sau hơn nửa năm phát bệnh, bệnh nhân mới đến bệnh viện. Sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh lao nhưng chức năng phổi đã bị tổn thương; bệnh nhân có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, xơ phổi...; khả năng lao động sẽ giảm nhiều”.
Phát hiện bệnh lao muộn là thực trạng chung của cả nước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo chỉ chiếm 60%; có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.
Trước thực trạng này, theo các thầy thuốc, cần tiếp tục truyền thông để người dân nhận diện được bệnh lao - đặc biệt là lao phổi - và đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán, điều trị sớm. Bác sĩ Quân nhấn mạnh: “Quan trọng là bệnh lao phải được phát hiện và điều trị sớm. Điều trị càng sớm càng tốt. Và điều trị sớm đồng nghĩa với việc sớm cắt đứt nguồn lây. Đây là phương pháp phòng ngừa tốt nhất. Nếu người bệnh ở nhà, không tiếp cận điều trị thì họ trở thành nguồn lây bệnh lao”.
Vậy, đâu là những dấu hiệu mà một người bình thường có thể nhận biết và nghi ngờ mình hoặc người thân mắc bệnh lao phổi? Bác sĩ Quân cho biết: “Có 4 dấu hiệu: Sốt vào buổi chiều, đau ngực, sút cân, ho có đờm/ho ra máu. Nếu có 4 triệu chứng đó thì hãy đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị”. Cũng theo bác sĩ Quân, những người có tiền sử đái tháo đường, viêm loét dạ dày/tá tràng, điều trị bằng corticoid trong thời gian dài, sử dụng hóa chất điều trị ung thư... và tiếp xúc với nguồn lây thì nên đến bệnh viện sớm để được khám, chẩn đoán và điều trị.
Tỉ lệ khỏi bệnh trên 92%
Trong quá trình điều trị, người bệnh phải tuân thủ chỉ dẫn của thầy thuốc. Trong 2 tháng đầu tiên, bệnh nhân lao nên điều trị tại bệnh viện. Thuốc chống lao có những tác dụng phụ như viêm khớp, làm cho người bệnh ăn không được, suy hô hấp... Điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi và xử trí kịp thời những triệu chứng xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc. Sau 2 tháng đầu tiên, người bệnh tiếp tục điều trị tại nhà, với sự quản lý của nhân viên y tế thuộc Chương trình chống lao quốc gia. Tuân thủ điều trị trong 6 tháng, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.
Theo Trạm Chuyên khoa Lao Phú Yên, tỉ lệ khỏi bệnh trên 92% với bệnh nhân lao mới; khoảng 65% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc.
Đối với những trường hợp bỏ điều trị giữa chừng rồi trở lại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu đờm xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính thì điều trị lại từ đầu; nếu âm tính thì các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phác đồ phù hợp.
Theo bác sĩ Quân, đối với bệnh nhân lao phổi thường (không phải lao đa kháng thuốc), sau khoảng 15-20 ngày điều trị, người bệnh không còn là nguồn lây. Vì vậy, bà con không nên kỳ thị, xa lánh người mắc bệnh lao. “Lao là bệnh truyền nhiễm, không phải di truyền. Bà con đừng lo lắng. Nếu có những dấu hiệu của bệnh thì hãy đến bệnh viện để điều trị”, bác sĩ Quân nhắn nhủ.
Theo y văn, bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lây từ người sang người thông qua không khí. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, vi khuẩn phát tán vào không khí. Người bình thường vô tình hít phải vi khuẩn lao trong không khí sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lao tại phổi.
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis không chỉ tấn công phổi mà thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết, chúng có thể đến các bộ phận khác của cơ thể, như thận, cột sống và não để gây bệnh tại đó. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong. |
YÊN LAN