Thứ Bảy, 21/09/2024 03:24 SA
Cảnh giác với các bệnh lây truyền từ động vật sang người
Thứ Hai, 20/03/2023 06:00 SA

Nhiều bệnh lây từ động vật sang người rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, thậm chí 100% trường hợp mắc bệnh như bệnh dại. Có bệnh lây từ động vật sang người có thể gây thành dịch như cúm A/H5N1, bệnh than...

 

Dưới đây là một số bệnh lây từ động vật sang người có thể gặp và cách phòng ngừa.

 

Bệnh dại là căn bệnh hết sức nguy hiểm do virus dại gây ra. Virus này từ chó mèo bị dại xâm nhập vào người qua vết thương do chó mèo cắn. Để phòng bệnh dại cần quản lý tốt đàn chó trong cộng đồng, tiêm phòng dại cho chó mèo đầy đủ, không để chó chạy rông, khi đưa cho ra ngoài cần đeo rọ mõm. Người dân cần đề phòng chó cắn. Nếu bị chó cắn, cần phải đến ngay cơ sở y tế. Tùy theo vết thương và vị trí vết thương, cán bộ y tế có thể vừa tiêm huyết thanh kháng dại vừa tiêm vắc xin phòng dại.

 

Bệnh liên cầu khuẩn ở heo là bệnh không thể coi thường. Liên cầu khuẩn từ heo bệnh xâm nhập vào người qua các vết xây xát trên da khi giết mổ heo bệnh, cũng có thể do ăn thịt heo bị bệnh nấu không chín hoặc tiết canh heo... Bệnh diễn tiến rất nhanh từ vài giờ đến vài ngày với các triệu chứng: Viêm não, xuất huyết, viêm cơ tim, viêm khớp và suy đa tạng; tỉ lệ tử vong khá cao, chiếm 7% các trường hợp bệnh.

 

Dự phòng bệnh liên cầu khuẩn heo bằng các biện pháp sau: Không ăn thịt heo hay các sản phẩm chế biến từ heo nghi bệnh; thực phẩm từ thịt heo phải được nấu chín kỹ; người chăn nuôi heo cần có các biện pháp bảo vệ như mang ủng, đeo găng tay, bảo vệ những nơi bị trầy xước không để tiếp xúc với chất thải của heo; thường xuyên vệ sinh chuồng trại...

 

Bệnh cúm A/H5N1 do nhiễm virus cúm A/H5N1 từ gia cầm bệnh sang người (cúm gia cầm) hết sức nguy hiểm với biểu hiện lâm sàng viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp rất nhanh, suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh lây từ gia cầm bị bệnh sang người, chủ yếu là từ gà vịt. Biện pháp phòng bệnh tập trung vào việc kiểm soát tốt đàn gia cầm nuôi, nếu phát hiện gia cầm bệnh thì tiêu hủy, khử trùng theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng. Người dân phải tuyệt đối ăn chín, uống chín, nấu kỹ thịt gia cầm, không ăn thịt gia cầm nghi bệnh.

 

Bệnh giun đũa chó lạc chủ gặp khá nhiều ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng do không đảm bảo vệ sinh khi nuôi chó. Giun đũa chó Toxocara (hay còn gọi là sán chó) bình thường ký sinh trong chó, từ ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành trong chó. Khi xâm nhập vào người qua đường miệng do ăn, hít phải, ấu trùng Toxocara xâm nhập vào máu đi khắp cơ thể, có thể gây bệnh ở da với biểu hiện ngứa, nổi mẩn trên da; có thể đến phổi gây viêm phổi, đến não gây viêm não... Để phòng bệnh cần chú ý giữ vệ sinh, không để chó phóng uế bữa bãi; tuyệt đối ăn chín uống sôi, không để chó ngủ chung với người hay ngủ trên bàn ghế người ngồi, không ôm ấp chó.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek