Với việc 3 địa phương còn lại được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, Phú Yên đã hoàn thành trước thời hạn một nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó (Báo Phú Yên có bài phản ánh trên số báo ra ngày 26/12/2022). Vấn đề đặt ra là trong thời gian tới, cần làm những gì để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh phong?
Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến.
BSCKII LÊ VĂN THUẬN, GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN DA LIỄU PHÚ YÊN: Trau dồi kiến thức, đừng quên bệnh phong
Hiện nay, phòng chống bệnh phong vẫn thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia; các hoạt động quản lý người bệnh phong, phát hiện ca bệnh mới, chăm sóc khuyết tật cho người bệnh phong và truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong vẫn tiếp tục duy trì. Mục đích là duy trì tỉ lệ lưu hành bệnh phong thấp, không có tình trạng phát hiện bệnh muộn dẫn đến khuyết tật độ 2. Do đó, công tác phát hiện ca bệnh tiếp tục được chú trọng, bao gồm khám trực tiếp để phát hiện bệnh và bệnh nhân chủ động đến với cơ sở y tế. Hoạt động truyền thông tiếp tục được quan tâm, giúp người dân dễ dàng nhận biết bệnh phong và đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị sớm, tránh bỏ sót bệnh nhân phong, tránh tình trạng phát hiện muộn, bệnh nhân trở thành nguồn lây trong cộng đồng và bị khuyết tật.
Bệnh viện Da liễu Phú Yên có nhiệm vụ hội chẩn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, trau dồi kiến thức để nhân viên y tế cơ sở đừng quên bệnh phong, phân biệt bệnh phong với một số bệnh da thông thường. Chính họ là những người giúp phát hiện ca bệnh trong cộng đồng để kịp thời điều trị.
PGS.TS PHẠM THỊ LAN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO - CHỈ ĐẠO TUYẾN, BỆNH VIỆN DA LIỄU TRUNG ƯƠNG: Không để bệnh phong quay trở lại
Thời gian tới, cán bộ y tế cần quan tâm đến việc chăm sóc khuyết tật cho người bệnh phong; vẫn phải cảnh giác với bệnh phong, vì thời gian ủ bệnh rất lâu, có thể lên đến 5-10 năm, thậm chí 20 năm... Rất may là bệnh phong ít lây, khó lây; nếu phát hiện và điều trị sớm thì sẽ cắt đứt nguồn lây. Việc quan trọng nhất là phát hiện ra ca bệnh, vì tỉ lệ lưu hành bệnh phong thấp nên có thể mọi người sẽ mất cảnh giác và nhầm với những bệnh da khác. Bệnh phong có đặc trưng là rối loạn cảm giác và mất cảm giác. Da thay đổi màu sắc bất thường và rối loạn cảm giác, mất cảm giác thì chỉ có ở bệnh phong. Về sau, người bệnh có những triệu chứng nổi bật hơn như đau khớp, đau cơ, sốt... làm phai mờ các triệu chứng ban đầu.
Bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi, nếu quên triệu chứng của bệnh phong thì nhân viên y tế không phát hiện ra, đến khi biến chứng, tàn tật rồi mới biết. Bệnh nhân phong không được phát hiện và điều trị sớm, trở thành nguồn lây trong cộng đồng, thì có thể bệnh phong sẽ quay trở lại. Vì vậy, việc tập huấn, ôn lại kiến thức cho cán bộ y tế là rất cần thiết.
BSCKII NGUYỄN KHÁNH HÒA, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ĐÀO TẠO - CHỈ ĐẠO TUYẾN, BỆNH VIỆN PHONG - DA LIỄU TRUNG ƯƠNG QUY HÒA: Đích cuối cùng là thanh toán bệnh phong
Chúng ta đang đứng trước một số thách thức không nhỏ. Đầu tiên là dịch tễ bệnh phong. Mặc dù trong thời gian gần đây không phát hiện ca bệnh mới, nhưng chúng ta chưa đạt đến ngưỡng dừng chương trình phòng chống bệnh phong. Mặt khác, chúng ta không thể lơ là trước vấn đề di dân, người từ địa phương này đến địa phương khác làm ăn, nhất là nơi có dịch tễ bệnh phong phức tạp. Và đừng ngủ quên trên chiến thắng, quên duy trì các hoạt động phòng chống phong. Dù nguyên nhân gây bệnh phong đã được tìm ra từ rất lâu - năm 1873 - nhưng đến nay thế giới vẫn chưa có vắc xin. Đời sống của trực khuẩn phong rất phức tạp, chưa nuôi cấy được trong môi trường nhân tạo, thành ra thế giới chưa sản xuất được vắc xin. Thêm nữa, thời gian ủ bệnh rất lâu, 3 năm, 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn. Có những trường hợp nhiễm trực khuẩn phong vào cơ thể từ khi còn nhỏ, hệ miễn dịch yếu, khi phát bệnh thì đã là người trưởng thành... Đó là những thách thức, đòi hỏi chúng ta tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống bệnh phong trong thời gian tới. Chúng ta không thể dừng lại ở đây. Đích cuối cùng là thanh toán bệnh phong.
Nếu bệnh nhân phong không được phát hiện và điều trị sớm, trở thành nguồn lây trong cộng đồng, thì có thể bệnh phong sẽ quay trở lại.
PGS.TS Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương |
YÊN LAN (ghi)