Thứ Bảy, 21/09/2024 10:19 SA
Phòng chống bệnh phong: Niềm vui sau chặng đường dài
Thứ Hai, 26/12/2022 11:00 SA

ThS.BSCKII Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, phát biểu trong hội nghị kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện tại TX Sông Cầu, ngày 30/11/2022. Ảnh: YÊN LAN

Phú Yên là một trong số tỉnh, thành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sớm loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Đây là kết quả từ sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đồng hành với chương trình phòng chống bệnh phong qua các thời kỳ.

 

Ký ức xám

 

Phát hiện mắc bệnh phong từ hồi trẻ, bà N.T.C (ở phường Xuân Phú, TX Sông Cầu) có một thời gian dài điều trị tại Trại phong Quy Hòa - nay là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Thoát khỏi căn bệnh tai ác nhưng bà bị khuyết tật ở tay và chân phải. Gần nhà bà có một thợ may. Ngày nọ, bà C muốn đến may quần áo nhưng chỉ dám đứng ở bên ngoài hàng rào, gọi vọng vào. Không ai lên tiếng. Bà thận trọng bước tới trước cửa, hỏi người thợ may: “Có may đồ hông, may giùm tui bộ đồ?”. Người thợ may vội vàng nói: “Không. Không. Không. Không có may”. Bà C cầm xấp vải về nhà, buồn ứa nước mắt. “Người ta sợ lây bệnh. Đám giỗ nẫu cũng không mời mình”, bà cụ 83 tuổi kể về khoảng thời gian u ám.

 

Một thời, bệnh nhân phong bị kỳ thị, xa lánh. Có người phải bỏ nhà, bỏ xứ ra đi; có người bị cách ly khỏi làng. Chính sự kỳ thị, xa lánh làm cho những người chẳng may mắc bệnh phong cương quyết giấu bệnh, từ chối điều trị, trong khi tỉ lệ lưu hành bệnh phong trên địa bàn tỉnh còn cao. Tham gia phòng chống bệnh phong đã 24 năm, BSCKII Nguyễn Kiều Quỵnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Phú Yên, vẫn còn nhớ những khó khăn khi tiếp cận bệnh nhân phong ngày đó: “Đến nhà một người ở Sông Cầu, chúng tôi bị họ đuổi. Họ sợ xóm làng biết, sẽ kỳ thị, xa lánh, lại còn ảnh hưởng đến con cái. Anh em buộc phải ở lại, chờ đến tối mới trở lại nhà bệnh nhân. Lúc này, chúng tôi mới gặp được và giải thích cho họ hiểu rằng bệnh phong hoàn toàn chữa được, không còn là một trong tứ chứng nan y”.

 

Những chuyển biến mạnh mẽ

 

Để công tác phòng chống bệnh phong đạt kết quả, vấn đề then chốt là nâng cao nhận thức của người dân về bệnh phong - bệnh truyền nhiễm mãn tính, lây lan từ người bệnh chưa điều trị sang người lành nhưng lây ít và rất khó lây - nhằm xóa bỏ định kiến, xóa bỏ sự kỳ thị. Vào thập niên 1980, cùng với hoạt động khám sàng lọc bệnh phong cho toàn dân, bác sĩ da liễu phải đến từng khu dân cư, từng buôn làng, chủ trì cuộc họp dân vào ban đêm, nói với bà con về bệnh phong và chiếu video cho bà con xem để họ biết cách nhận diện sớm căn bệnh này: Một vùng da thay đổi màu sắc, giảm hoặc mất cảm giác đau, nóng - lạnh. Song song đó là hoạt động truyền thông trên sóng phát thanh, truyền hình... BSCKII Lê Văn Thuận, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Phú Yên, nói: “Truyền thông đã giúp cho người dân hiểu về bệnh phong; số bệnh nhân tự phát hiện bệnh, đến với cơ sở y tế cao hơn trước”.

 

Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, có gần 1.000 người mắc bệnh phong được phát hiện, điều trị.

 

Theo bác sĩ Thuận, bước ngoặt là năm 1995, khi chương trình phòng chống bệnh phong trở thành chương trình mục tiêu y tế quốc gia, có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc cung cấp thuốc điều trị. Khi nguồn thuốc không còn khan hiếm như trước, tất cả bệnh nhân phong đều được đa hóa trị liệu (dùng 2-3 loại thuốc), hiệu quả nhanh hơn, người bệnh tin tưởng... Trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng bệnh nhân phong bị kỳ thị, xa lánh.

 

Nhân viên y tế tuyến cơ sở đã giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh phong đang điều trị. Chị Nguyễn Thị Thơ, cán bộ phụ trách công tác phòng chống phong tại Trung tâm Y tế huyện Tuy An, cho biết: “Chúng tôi giám sát thường xuyên. Lần này đến nhà không gặp thì lần khác đến, cho tới khi gặp được người bệnh, nhắc nhở họ uống thuốc đều đặn để đạt hiệu quả điều trị, không bị khuyết tật. Những trường hợp khó tiếp cận thì mình càng phải cố gắng. Trong phòng chống bệnh phong, quan trọng nhất là phát hiện, điều trị sớm nhằm cắt đứt nguồn lây và tránh nguy cơ bệnh nhân bị khuyết tật”. Chị Trần Thị Thơi nói: “Nhân viên y tế kết nối thường xuyên với bệnh nhân. Ngoài việc thăm hỏi, giám sát định kỳ, hễ họ cần, gọi điện là mình có mặt”.

 

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực của hệ thống y tế, năm 2000, Phú Yên được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh theo tiêu chuẩn của WHO. Trên chặng đường tiếp theo, công tác quản lý người bệnh được quan tâm; công tác phát hiện bệnh phong mới tiếp tục được chú trọng hàng năm; người từng mắc bệnh phong, có khuyết tật được chăm sóc; hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong được duy trì.

 

Ông Đ.H.N với chiếc xe máy được Fondation Roaul Follereau hỗ trợ. Ảnh: YÊN LAN

 

Tiếp sức

 

Trên địa bàn tỉnh có 175 bệnh nhân phong đang được quản lý, chăm sóc, gồm bệnh nhân đang điều trị, bệnh nhân đã xong điều trị còn theo dõi và bệnh nhân khuyết tật cần chăm sóc suốt đời. Từ năm 2016, một số bệnh nhân phong có hoàn cảnh khó khăn được Fondation Roaul Follereau (FRF) - tổ chức phi chính phủ của Pháp - tiếp sức. Cùng với cán bộ y tế, người thuộc tổ chức này đến tận nhà một số bệnh nhân phong ở TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và huyện Tuy An để khảo sát, hỗ trợ họ xây nhà, mua bò về nuôi, mua xe máy làm phương tiện mưu sinh, điều trị bệnh...

 

Ông Đ.H.N (75 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa), người phát hiện mắc bệnh phong từ thời niên thiếu và đã điều trị khỏi, được FRF hỗ trợ một chiếc xe máy trị giá 15 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Hôm nhận xe, cả nhà rất mừng. Chiếc xe máy là sự khích lệ về tinh thần và giúp cho gia đình tôi rất nhiều. Có xe, vợ chồng tôi chở rau tới chợ Phú Ân, chợ Xéo và chợ Tuy Hòa bán, vợ tôi không còn phải cực nhọc gánh rau”. Nhờ thu nhập từ vườn rau, gia đình ông N ổn định cuộc sống.

 

Ông N.S (87 tuổi, ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), một bệnh nhân phong cũ, được FRF hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà. Chị N.T.N, con gái ông S, cho biết: “Có số tiền hỗ trợ đó, gia đình tôi mượn thêm, xây được ngôi nhà vững chãi khang trang. Mừng quá mừng! Từ đó tới giờ, cả nhà không còn lo mưa gió; trời mưa to cũng không phải lấy thau hứng nước dột”.

 

Trong 3 năm (2016-2018), có 24 bệnh nhân phong tại 3 địa phương trên được FRF hỗ trợ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Năm 2019, FRF đã đến huyện Đồng Xuân khảo sát và ký biên bản ghi nhớ, dự kiến năm 2020 sẽ hỗ trợ 6 bệnh nhân phong với tổng số tiền 180 triệu đồng. Do đại dịch COVID-19, hoạt động này bị gián đoạn.

 

Về đích

 

Nỗ lực phòng chống bệnh phong, từ năm 2018-2020, TX Đông Hòa và các huyện: Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An, Tây Hòa được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Để được công nhận, qua kiểm tra giám sát, các địa phương phải đạt những tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện theo quy định, trong đó có 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị; 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở.

 

Công tác khám, phát hiện ca bệnh mới tại cộng đồng được thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong năm 2022, nhân viên y tế tại các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện hàng trăm nghìn lượt khám. Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, gần 22.000 người ở Phú Hòa và TP Tuy Hòa được khám sàng lọc bệnh phong. Tại 6 huyện, thị xã đã được công nhận loại trừ bệnh phong, Bệnh viện Da liễu Phú Yên tổ chức 6 lớp tập huấn về khám, phát hiện bệnh phong, có 210 cán bộ chuyên trách tham gia. Còn tại TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và huyện Phú Hòa, 22 lớp tập huấn đã được tổ chức, có hơn 630 cán bộ ban chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại các xã/phường có bệnh nhân phong tham gia. Bệnh viện Da liễu Phú Yên cũng đã phối hợp với Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân phong” cho cán bộ phụ trách công tác phòng chống phong tại các địa phương. Công tác truyền thông về bệnh phong trên các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì…

 

Ngày 21/12, tin vui đến với những người tâm huyết với chương trình phòng chống bệnh phong, khi UBND tỉnh có quyết định công nhận kết quả loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện đối với TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và huyện Phú Hòa. Như vậy, đến thời điểm này, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.

 

Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện chương trình phòng chống khuyết tật dựa vào cộng đồng, giúp bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là bệnh nhân nặng, tạo điều kiện cho họ mưu sinh.

 

ThS-BSCKII Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek