Đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và tránh muỗi đốt. Tại lễ phát động Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đưa ra thông điệp hành động: “Người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH”.
Số ca mắc tăng hơn 210%
Theo thông tin từ Sở Y tế, tính đến ngày 6/7, toàn tỉnh ghi nhận 1.356 ca mắc SXH, tăng gấp 2,1 lần (tương đương 210,3%) so với cùng kỳ năm 2021; không ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc SXH tăng đột biến từ tuần 19 và đã vượt qua giai đoạn trung bình 5 năm 2017-2021.
Một số địa phương có số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, trong đó huyện Tuy An ghi nhận 308 ca (tăng 4,5 lần), huyện Phú Hòa 285 ca (tăng 2,8 lần), TP Tuy Hòa 278 ca (tăng 3,5 lần), huyện Tây Hòa 132 ca (tăng 1,1 lần)… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 84 ổ dịch SXH, tăng 69 ổ dịch so với cùng kỳ. Số ổ dịch được ghi nhận tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố; trong đó 52/110 xã, phường có ổ dịch.
Các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH đã được triển khai ở các địa phương. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch tễ chủ động để phát hiện bệnh sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, hạn chế số ca mắc và tử vong; đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Nhân viên y tế hướng dẫn, vận động người dân diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng chống SXH và dịch bệnh do virus Zika…
Mới đây, tại siêu thị Co.opmart, Sở Y tế phối hợp với UBND TP Tuy Hòa tổ chức lễ phát động Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm 2022. Tại buổi lễ, BSCKII Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác phòng chống SXH đang gặp một số khó khăn, như người dân chưa có ý thức cao trong việc diệt lăng quăng/bọ gậy. Tại một số địa phương, các ban ngành, đoàn thể chưa phối hợp tốt trong công tác tổng vệ sinh diệt lăng quăng, tuyên truyền phòng chống SXH tại cộng đồng. Công tác truyền thông về việc phun hóa chất xử lý dịch chưa thật sự sâu rộng; một số gia đình không đồng ý cho phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH…
“Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy”
Ngành Y tế Phú Yên dự báo tình hình SXH sẽ diễn biến phức tạp, số ca bệnh có chiều hướng gia tăng trong những tháng kế tiếp do thời tiết có nắng - mưa xen kẽ; người dân chứa nước để dùng và vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh, chưa thường xuyên tổng vệ sinh diệt lăng quăng/bọ gậy, vô tình tạo điều kiện cho côn trùng truyền bệnh SXH phát triển.
Tại lễ phát động Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ nhấn mạnh: “Phòng chống dịch bệnh không chỉ là bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội của địa phương, do đó cần phải được quan tâm đặc biệt”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành liên quan phối hợp với hội, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện tốt nội dung Công văn 3147 ngày 27/6/2022 của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường phòng chống bệnh SXH. Giao ngành Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh và có biện pháp khoanh vùng xử lý ngay khi phát hiện ca bệnh tại địa phương, tránh không để dịch lây lan ra cộng đồng; triển khai tất cả các biện pháp phòng chống và điều trị SXH theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và hội, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức triển khai tốt chiến dịch tại địa phương.
Đồng chí Đào Mỹ kêu gọi: “Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm 2022, với thông điệp hành động: “Người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH”.
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh sang người lành qua vết đốt. Đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và tránh muỗi đốt. |
YÊN LAN