Sẽ rất sai lầm khi cho rằng bệnh lác mắt chỉ gây mất thẩm mỹ, làm người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp. Theo PGS.TS.BS Hà Huy Tài, chuyên gia đầu ngành về nhãn nhi, nếu trẻ không được khám và điều trị sớm (trước 5 tuổi), bệnh lác mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Lác (lé) mắt là bệnh mà hai mắt không nhìn cùng một điểm. Hiện có nhiều nguyên nhân gây lác mắt: Nhược thị thực thể (như đục thủy tinh thể...), tật khúc xạ (cận thị nặng, viễn thị không được điều trị), liệt cơ vận nhãn, di truyền, tổn thương não, tổn thương các dây thần kinh vận nhãn; bất thường về giải phẫu (do cơ yếu hoặc bám bất thường so với vị trí giải phẫu, dị dạng hốc mắt), biến chứng của bệnh khác (đái tháo đường, chấn thương sọ não...).
Theo PGS.TS.BS Hà Huy Tài, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Trung ương, trong số các ca phẫu thuật chuyên ngành nhãn nhi, phẫu thuật điều trị lác mắt chiếm tỉ lệ cao nhất. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trong 100 ca phẫu thuật mắt cho trẻ em có khoảng 60 ca lác mắt, hơn 20 ca sụp mí, còn lại là đục thủy tinh thể bẩm sinh, u bì kết giác mạc, quặm, ung thư võng mạc…
Bác sĩ Hà Huy Tài nói: Bệnh lác mắt có 3 tác hại, người dân thường chỉ biết một tác hại thôi, là xấu, làm cho đứa trẻ tự ti, mặc cảm. Không chỉ có thế, tác hại của bệnh lác mắt là gây nhược thị, không thể nhìn được ba chiều không gian.
Ở những người có đôi mắt bình thường, cả hai mắt cùng nhìn vào cùng một điểm; não sẽ tổng hợp hình ảnh thu được ở hai mắt thành một ảnh duy nhất, là ảnh ba chiều. Hình ảnh ba chiều này sẽ cho ta thị giác tinh tế. Ở những đứa trẻ bị bệnh lác mắt, một mắt nhìn lệch; hai hình ảnh khác nhau ở hai mắt được chuyển đến não. Não của trẻ học cách loại bỏ hình ảnh của mắt nhìn lệch và chỉ thấy hình ảnh ở mắt nhìn thẳng hoặc mắt nhìn rõ hơn. Nếu tình trạng này không thay đổi trong những năm đầu đời thì mắt nhìn lệch có thể không có thị lực tốt, thậm chí mất thị lực.
Tùy theo từng trường hợp, người bị lác mắt sẽ được áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp điều trị: Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều lác; đeo kính khi lác do quy tụ điều tiết hay kèm tật khúc xạ; đeo lăng kính (ở người lớn bị lác mắt gây song thị độ nhỏ); che mắt khi bị nhược thị (che mắt lành, để cho mắt lác nhìn; khi đó não sẽ chấp nhận hình ảnh từ mắt lác, thị lực sẽ tốt dần); phẫu thuật để điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa hai mắt về thẳng trục.
Có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhãn khoa, thực hiện thành công hàng vạn ca phẫu thuật điều trị lác mắt, sụp mí…, PGS.TS.BS Hà Huy Tài đã nhiều lần đến Phú Yên, phẫu thuật và cầm tay chỉ việc, giúp bác sĩ Bệnh viện Mắt Phú Yên thực hiện tốt các ca phẫu thuật điều trị lác mắt. “Điều quan trọng trước tiên là khám, chẩn đoán. Việc đó rất phức tạp vì lác mắt có nhiều dạng. Dạng gì, can thiệp như thế nào, xong mới chỉ định phẫu thuật, định lượng cơ này mình sẽ tác động bao nhiêu milimet, cơ kia mình sẽ tác động bao nhiêu milimet…”, bác sĩ Hà Huy Tài chia sẻ.
Tại Bệnh viện Mắt Phú Yên, PSG.TS.BS Hà Huy Tài cùng các thầy thuốc ở đây vừa tiến hành 47 ca phẫu thuật điều trị lác mắt, sụp mí, quặm bẩm sinh, trong đó có 41 bệnh nhi được phẫu thuật.
Theo PGS Hà Huy Tài, lác mắt do bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 30% tổng số ca lác mắt. Vì vậy, để phát hiện và can thiệp, điều trị sớm bệnh này, trẻ cần được khám mắt định kỳ. Nếu phát hiện trẻ mắc tật khúc xạ (viễn thị, cận thị, loạn thị) thì sẽ đeo kính sớm để ngăn ngừa nguy cơ lác mắt. Trẻ con bị sốt cao, co giật cũng có thể dẫn đến lác mắt. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, cần xử trí ngay, không để sốt cao dẫn đến tình trạng co giật. Và những gia đình có cha, mẹ bị lác mắt, bị tật khúc xạ nặng, cần đưa con đi kiểm tra mắt định kỳ, ngay cả khi trẻ chưa có dấu hiệu bất thường về mắt. “Trẻ cần được đưa đi khám sớm, phát hiện sớm, tập sớm, phẫu thuật sớm - trước 5 tuổi - thì mới phục hồi thị lực”, PGS Hà Huy Tài cho biết.
YÊN LAN