Chủ Nhật, 22/09/2024 23:41 CH
Thuốc cổ truyền, các phương pháp y học cổ truyền:
Phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19
Thứ Hai, 23/03/2020 13:05 CH

Người xưa có câu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để không bị lây nhiễm SARS-CoV-2, người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời có thể sử dụng các phương pháp y học cổ truyền để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm.

 

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus rút SARS-CoV-2, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn COVID-19 đồng thời phát huy thế mạnh của y học cổ truyền, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Y tế Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, bệnh viện y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa… về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền. Ban hành kèm theo công văn này là “Hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2”.

 

 

Virus có bao ngoài nên chịu tác động của các loại tinh dầu (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Sử dụng vốn quý của người xưa

 

Theo y học cổ truyền, bệnh này thuộc phạm vi “Ôn dịch” của học thuyết “Ôn bệnh học”, có tên “Cảm mạo ôn bệnh”. Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm khởi phát với dấu hiệu sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là “Ôn dịch”.

 

Trong điều trị, tùy tình trạng và diễn biến bệnh, y học cổ truyền chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có phương pháp điều trị khác nhau, áp dụng tại các bệnh viện có đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị và cơ sở vật chất. Ở giai đoạn khởi phát (phong hàn xâm nhập vào bì mao và phế vệ), người bệnh phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác; phương pháp điều trị là sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Đến giai đoạn toàn phát, nhiệt tà nhập vào những vị trí khác nhau nên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Bệnh có thể biểu hiện nhiệt chủ yếu ở phế, có thể kết hợp ở vị và đại trường. Người bệnh sốt, bất an, ho đờm đặc vàng, khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác…; phương pháp điều trị là tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn.

 

Nếu người bệnh thở khó, cử động thở nhanh hay phải có sự hỗ trợ thông khí, bán hôn mê, ra mồ hôi chi lạnh, chất lưỡi ám tối, mạch phù đại vô căn…, cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện y học hiện đại hoặc các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm theo quy định.

 

Ở giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau, vì vậy phương pháp điều trị cũng khác nhau: kiện tỳ ích khí, bổ khí dưỡng phế…

 

Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 ngành Y tế Phú Yên, BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên cho biết trong tuần này, bệnh viện sẽ đưa ra danh mục một số loại thuốc phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

 

Để phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2, người dân cần thực hiện tốt các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông; không du lịch đến các nước, khu vực đang có COVID-19.

 

Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng các phương pháp y học cổ truyền để hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể sử dụng dược liệu chứa tinh dầu: Sả chanh, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm gió, màng tang, long não, kinh giới, tía tô... để xông phòng ở, phòng làm việc. Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại, mỗi loại từ 200-400g tùy theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Mỗi ngày xông 2 lần, sáng và chiều.

 

Ngoài ra, có thể sử dụng các loại tinh dầu trên (được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75% (tùy theo diện tích phòng: 10-40m2 mà lấy lượng tinh dầu phù hợp: 2-4ml), lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2-3 lần.

 

Theo PGS-TS Trần Đình Bình, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trường đại học Y Dược Huế, nhờ thói quen sử dụng tinh dầu mà người Việt và một số dân tộc khác ở châu Á ứng phó tốt với cúm mùa. Đối với SARS-CoV-2, các loại cồn propanol, ethanol 70% làm giảm nhanh hoạt tính của virus, sau 30 giây. Các hóa chất khử khuẩn có thể bất hoạt virus nhanh và ở nồng độ thấp. Đặc biệt, do virus có bao ngoài nên chịu tác động của các loại tinh dầu.

 

Trong sử dụng tinh dầu, Bộ Y tế khuyến cáo không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

 

Bên cạnh việc xông tinh dầu, các biện pháp vệ sinh cá nhân có vai trò quan trọng trong phòng ngừa SARS-CoV-2. Có thể dùng dung dịch tỏi 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để nhỏ mũi sát khuẩn (mỗi ngày từ 3-5 lần, mỗi lần một giọt); dùng các dược liệu có tinh dầu hay dùng nước muối sinh lý súc miệng, sát khuẩn miệng, họng; uống nước ép tỏi hay một số trà thảo dược như trà lá diếp cá, trà kinh giới, trà xanh, bạc hà…

 

Để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi; hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê; nên tập thể dục, dưỡng sinh (tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe, tập thể dục giữa giờ, tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy); không quá căng thẳng về dịch bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng, cân bằng giữa nghỉ ngơi - làm việc. Nên nghỉ trưa ít nhất 30 phút, tránh các công việc gây stress. Tránh đi ngủ sau 22 giờ, nếu phải thức khuya thì cũng nên đi ngủ trước 23 giờ.

 

Chế độ ăn uống khoa học, vận động thể lực thường xuyên kết hợp với vệ sinh cá nhân tốt là những yếu tố quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh. 

 

Nhờ thói quen sử dụng tinh dầu mà người Việt và một số dân tộc khác ở châu Á ứng phó tốt với cúm mùa. Đối với SARS-CoV-2, các loại cồn propanol, ethanol 70% làm giảm nhanh hoạt tính của virus, sau 30 giây. Các hóa chất khử khuẩn có thể bất hoạt virus nhanh và ở nồng độ thấp. Đặc biệt, do virus có bao ngoài nên chịu tác động của các loại tinh dầu.

 

PGS-TS Trần Đình Bình, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh,

Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trường đại học Y Dược Huế

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek