Thứ Hai, 23/09/2024 01:15 SA
Hiện tượng bình minh ở bệnh nhân đái tháo đường
Thứ Hai, 09/03/2020 09:15 SA

Đái tháo đường (ĐTĐ) - căn bệnh do rối loạn chuyển hóa glucid trong cơ thể dẫn đến mức glucose trong máu tăng cao, lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột qụy, suy thận, tổn thương võng mạc gây mù lòa…

 

Đây là bệnh mãn tính, chưa có biện pháp chữa khỏi, việc điều trị ĐTĐ chủ yếu là kiểm soát đường huyết ở mức an toàn, kéo dài thời gian dẫn đến biến chứng và tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

 

Tùy theo loại ĐTĐ và mức độ đường huyết để có các biện pháp điều trị. Tuy nhiên điều trị ĐTĐ cần phối hợp cả ba yếu tố: vận động thể lực để gia tăng phân hủy glucose, chế độ ăn cân đối, đảm bảo đủ năng lượng và chất dinh dưỡng nhưng không làm tăng quá mức đường trong máu và sử dụng thuốc hạ đường huyết.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy kiểm soát đường huyết ở mức an toàn phụ thuộc rất nhiều vào người bệnh: Phải theo dõi, tuân thủ các khuyến cáo của thầy thuốc. Ở nhiều nước tiên tiến, việc theo dõi mức đường huyết trong máu được tiến hành 4-5 lần/ngày (khi đói, trước khi ăn, sau khi ăn 2 giờ và trước khi đi ngủ) để điều chỉnh thuốc cũng như chế độ ăn… Ở nước ta, do kinh tế còn khó khăn, bệnh nhân ĐTĐ ít có điều kiện theo dõi đường huyết thường xuyên nên có thời điểm không kiểm soát được đường huyết. Nhiều bệnh nhân ĐTĐ chỉ xét nghiệm hàng tháng, vài tháng một lần, ít có người ngày nào cũng kiểm tra đường huyết nên không thể khống chế được mức đường huyết theo khuyến cáo.

 

Một trong những thời điểm đường huyết tăng nhưng ít được bệnh nhân ĐTĐ chú ý là vào buổi sáng (từ 6 đến 8, 9 giờ), còn gọi là hiện tượng bình minh (dawn phenomenom). Nguyên nhân của hiện tượng này được chứng minh liên quan đến hoạt động sinh lý của cơ thể. Buổi sáng theo nhịp sinh học cơ thể tiết ra nhiều chất như cortisol, cathecolamin, adrenalin… làm gia tăng nhu cầu năng lượng cho cơ thể, vì vậy gan tăng cường phân giải glycogen ở gan thành glucose để đáp ứng nhu cầu này.

 

Ở người không bị ĐTĐ, khi gia tăng glucose trong máu lập tức tụy tăng tiết insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cung cấp cho tế bào. Tiếc thay người ĐTĐ lại không đủ insulin nên không thể thực hiện được sự phân hủy glucose dẫn đến tăng glucose trong máu. Nếu để hiện tượng này kéo dài sẽ làm tổn thương các cơ quan, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

 

Về nguyên nhân của hiện tượng bình minh, nhiều nhà khoa học đã chứng minh có liên quan đến liều lượng thuốc hạ đường huyết sử dụng trước khi đi ngủ hay chế độ ăn không hợp lý vào ban đêm. Vì vậy, để tránh hiện tượng bình minh, người bệnh cần tuân thủ các khuyến cáo của thầy thuốc, tăng cường kiểm tra đường huyết hàng ngày, khi có biểu hiện bất thường nên báo cho thầy thuốc biết để được tư vấn.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek