Ngày 10/12, tại Hà Nội, Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố cho thấy để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, báo cáo khuyến nghị cần phải có những cách tiếp cận mới, được thiết kế riêng phù hợp với những yếu tố về địa lý và văn hóa đặc thù của cộng đồng dân tộc thiểu số.
Báo cáo cho biết, chỉ có 39% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6-23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-49 đã đi khám thai và được bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng như tư vấn về dinh dưỡng. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em bắt nguồn từ nghèo đói. Theo thống kê năm 2016, các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam chiếm đến 73% số hộ nghèo dù chỉ chiếm 14% tổng dân số.
Báo cáo đề xuất một số giải pháp chính mà Việt Nam có thể thực hiện để cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số: đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng, cần đảm bảo ngân sách đầy đủ cho các can thiệp đã được kiểm chứng về tính hiệu quả. Các tỉnh có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất cần được ưu tiên phân bổ và tiếp nhận ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng...
Theo TTXVN