Cùng với bệnh mạch vành, bệnh van tim hậu thấp tim, bệnh tim bẩm sinh…, rối loạn nhịp tim cũng rất phổ biến hiện nay, trong đó có rung nhĩ (rung tâm nhĩ). Không chỉ gây khó thở, đau ngực, mệt mỏi, không thể vận động, ngất xỉu, rung nhĩ còn có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.
ThS - BS Lương Cao Sơn, Trưởng Đơn vị Nhịp tim học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về cách “nhận diện” và ngăn ngừa rung nhĩ.
ThS-BS Lương Cao Sơn |
* Bác sĩ có thể cho biết những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ?
- Rung nhĩ là một bệnh lý rối loạn nhịp phổ biến nhất trong các rối loạn nhịp hiện nay. Rung nhĩ có nhiều yếu tố nguy cơ, đầu tiên là tuổi tác, nghĩa là tuổi càng cao thì tần suất bị rung nhĩ càng gia tăng do cơ tim bị xơ hóa. Rung nhĩ cũng thường gặp ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường, những người có bệnh mạch vành, bệnh van tim. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh van tim do thấp tim khá cao so với thế giới. Bệnh van tim là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra rung nhĩ.
* Những dấu hiệu, triệu chứng nào cho biết bị rung nhĩ, thưa bác sĩ? Khi đó, người bệnh cần được xử trí như thế nào?
- Trái tim chúng ta có bốn buồng; hai buồng ở phía trên là tâm nhĩ, hai buồng ở phía dưới là tâm thất. Rung nhĩ là khi hai buồng tim phía trên đập loạn xạ; bệnh nhân sẽ có các triệu chứng: hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở vì việc bơm máu không hiệu quả; bệnh nhân bị giảm khả năng gắng sức, giảm khả năng vận động… Trong một số trường hợp, rung nhĩ xuất hiện cùng với biến chứng của nó; bệnh nhân bị phù phổi nếu đã mắc bệnh về tim, tim yếu sẵn rồi, giờ thêm rung nhĩ làm bệnh nhân khó thở, thậm chí có thể bị suy hô hấp. Bệnh nhân có thể bị đột quỵ do rung nhĩ tạo cục máu đông và theo dòng máu trôi lên, gây tắc mạch máu não.
Trong một số trường hợp, đặc biệt là ở người già, rung nhĩ không có triệu chứng. Người ta chỉ có cảm giác hơi mệt, không biết rằng đó là bệnh và đã quen với cảm giác đó rồi. Tình cờ đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ đo điện tâm đồ, hoặc bệnh nhân bị một biến chứng nào đó của rung nhĩ, vô bệnh viện, đo điện tâm đồ mới phát hiện ra rung nhĩ.
* Rung nhĩ có những biến chứng nguy hiểm, như đột quỵ. Vậy làm thế nào để phòng ngừa biến chứng?
Rung nhĩ ít khi nguy hiểm chết người nhưng có thể dẫn tới một số biến chứng nặng nề như suy tim sung huyết và nguy hiểm nhất là đột quỵ. Vì vậy, nếu được chẩn đoán là rung nhĩ, bệnh nhân cần phải được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. (Theo Tạp chí Tim mạch học Việt Nam) |
- Biến chứng đột quỵ do rung nhĩ gây hậu quả rất nặng nề; tỉ lệ tàn phế, tử vong rất cao. Điều quan trọng là ngăn ngừa, đừng để bệnh nhân rung nhĩ bị biến chứng đột quỵ. Chúng ta sử dụng các loại thuốc chống đông, tức là thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân bị rung nhĩ.
Nếu đã xảy ra đột quỵ thì đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt; những biện pháp can thiệp ở nhà sẽ làm chậm thời gian cứu não của bệnh nhân. Do vậy, ngay khi phát hiện một người đột ngột yếu nửa người, nói đớ… thì phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xác định có phải bị đột quỵ hay không. Nếu đúng là đột quỵ thì có thể sử dụng thuốc làm tan cục máu đông, hy vọng là có thể giúp bệnh nhân giảm được gánh nặng bị tàn phế sau này.
Chúng ta biết rằng thời gian có thể dùng thuốc chống đông rất ngắn, chỉ từ 3-4 giờ rưỡi thôi. Vì vậy, nếu đưa bệnh nhân đến trễ thì chúng ta không thể cứu được não của họ; bệnh nhân có thể bị di chứng, chẳng hạn như yếu, liệt nửa người. Do vậy, chúng ta phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế, càng sớm càng tốt.
* Muốn giảm nguy cơ bị rung nhĩ thì phải làm gì, thưa bác sĩ?
- Phòng ngừa rung nhĩ cũng giống như phòng ngừa bệnh tim mạch nói chung, là có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn đồ béo, đồ ngọt để giảm nguy cơ bị mỡ máu cao, đái tháo đường. Những yếu tố nguy cơ đó sẽ dẫn đến bệnh mạch vành, bệnh mạch vành sẽ dẫn đến rung nhĩ. Nếu có tăng huyết áp thì phải điều trị tốt, ổn định huyết áp để không ảnh hưởng đến chức năng của mạch máu cũng như chức năng của tim sau này, dễ khởi phát rung nhĩ. Nếu có bệnh tuyến giáp cũng phải điều trị cho tốt, vì bệnh tuyến giáp cũng là một yếu tố làm cho rung nhĩ. Tóm lại, bệnh nhân phải điều trị những bệnh lý nền tích cực, như vậy sẽ giảm được phần nào nguy cơ bị rung nhĩ.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)