Tại Việt Nam, đái tháo đường là một trong bốn bệnh lý không lây nhiễm (cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ung thư) gây tử vong hàng đầu. Tỉ lệ đái tháo đường được phát hiện chiếm từ 5-5,7% dân số, trên thực tế số người bị đái tháo đường có thể còn cao hơn.
Về sinh lý học, bất cứ tế bào sống nào của cơ thể đều cần năng lượng để hoạt động. Năng lượng sinh ra từ chuyển hóa glucose, lipide và protein, nhưng chủ yếu là từ glucose. Trong trường hợp glucose không đủ cung cấp, cơ thể sẽ chuyển hóa từ lipide và protein để tạo năng lượng cung cấp cho cơ thể. Để chuyển hóa năng lượng từ glucose cần có hormone có tên là insulin do các tế bào bê ta của tuyến tụy tiết ra. Ở những người bị đái tháo đường không rõ nguyên nhân gì mà tuyến tụy không tiết hoặc tiết không đủ lượng insulin nên glucose không chuyển hóa thành năng lượng được, làm cho mức đường trong máu tăng cao.
Nghịch lý của quá trình này là tế bào thiếu năng lượng trong khi lượng đường trong máu lại dư thừa. Tăng lượng đường trong máu làm phá hủy các mạch máu, nhất là mạch máu ở các ở quan sinh tử dẫn đến nhiều biến chứng chết người.
Tùy theo mức độ tiết insulin của tụy mà người ta chia đái tháo đường phụ thuộc hay không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường phụ thuộc insulin (tuýp 1) là khi tụy không tiết được insulin nên phải đưa insulin bên ngoài vào (tiêm insulin); loại này hay gặp ở những người trẻ và chỉ chiếm từ 5-10% các trường hợp đái tháo đường.
Loại không phụ thuộc insulin (tuýp 2) là tuyến tụy vẫn tiết được insulin nhưng không đủ hoặc là đủ nhưng tế bào không sử dụng được insulin (tế bào kháng insulin); loại này chiếm từ 90-95%. Ngoài ra còn một số không đáng kể người bị đái tháo đường trong thời gian mang thai (đái tháo đường thai nghén).
Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi bệnh. Biện pháp điều trị đái tháo đường là để hạn chế biến chứng, đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân.
Tuy chưa biết chắc chắn các nguyên nhân gây nên đái tháo đường nhưng các yếu tố nguy cơ như béo phì, lối sống ít vận động thể lực, chế độ ăn không hợp lý, lo âu, sang chấn tâm lý… đều có nguy cơ làm gia tăng đường huyết. Biện pháp điều trị đái tháo đường là phải phối hợp chế độ ăn, uống, sinh hoạt với vận động thể lực đều đặn, như vậy có khả năng điều tiết được mức đường trong máu. Nếu đã áp dụng biện pháp trên nhưng vẫn không điều chỉnh được thì mới sử dụng thuốc hạ đường huyết và phải theo chỉ định của thầy thuốc.
Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn phù hợp, đảm bảo đủ dinh dưỡng, năng lượng cần thiết nhưng không được làm tăng đường huyết. Điều này bắt buộc người bệnh phải tuân thủ theo lời khuyên của thầy thuốc, ăn giảm đường, nhiều rau củ quả, giảm mỡ động vật, cung cấp các thành phần vitamin cần thiết… Để làm tốt điều này, bệnh nhân cần có sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình.
Đái tháo đường thường có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhất là sự dẫn truyền xung động thần kinh, vì vậy ngưỡng chịu áp lực của bệnh nhân thấp. Không nên tạo áp lực công việc cho người bệnh. Mặt khác, người bị đái tháo đường thường lo âu, sợ sệt, bất an, chán nản… Các yếu tố này càng làm gia tăng đường huyết. Vì vậy, họ rất cần sự động viên chia sẻ của gia đình, bạn bè và những người xung quanh.
Vận động thể lực rất quan trọng trong điều trị đái tháo đường. Người bệnh phải vận động thể lực phù hợp đảm bảo cân bằng năng lượng đưa vào và mất đi. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế lạm dụng chất kích thích như bia, rượu vì bia làm tăng triglycerit và rượu làm kháng insulin, càng làm trầm trọng bệnh đái tháo đường. Nên ngủ đủ giấc (7-8 giờ/ngày), tránh thức khuya, dậy sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy mất ngủ làm tăng glucose, vì vậy giấc ngủ rất quan trọng, không chỉ ở bệnh nhân đái tháo đường mà cả ở người không bệnh.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên