Thứ Năm, 28/11/2024 17:38 CH
Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động lần thứ 10 năm 2008
Tránh đau lưng trong quá trình lao động
Thứ Ba, 25/03/2008 07:00 SA

Đau lưng hiện rất phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Những người lao động thể lực, làm việc với một tư thế trong thời gian dài... có nguy cơ bị đau lưng. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng mà người lao động không nhận thấy, đó là cách nâng nhấc vật nặng không đúng.

 

080324-daulung.jpg

Đau lưng

Làm thế nào để phòng tránh bệnh đau lưng có hiệu quả? Đó là trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động.Trong bài viết nhỏ này chúng tôi mong muốn cung cấp một ít thông tin về các vấn đề liên quan đến đau lưng nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động tự nhận biết các nguy cơ gây đau lưng, từ đó có trách nhiệm xây dựng nơi làm việc an toàn và lành mạnh hơn.

 

Tổn thương lưng và đau lưng là một trong những vấn đề y học lao động lâu đời nhất và nhận thấy rõ nhất trên thế giới. Người ta ước tính rằng hơn 50% người lao động bị đau thắt lưng trong quá trình làm việc.      

 

Ai dễ bị bệnh đau lưng nhất? Về cơ bản, bất kỳ ai phải nâng vật nặng, làm việc trong tư thế bất hợp lý như cúi về phía trước và với trong thời gian dài, hoặc làm một công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần với nhịp độ cao đều dễ bị đau lưng. (Những người lái xe cần trục có nguy cơ tổn thương lưng cao nhất). Bất kỳ nơi làm việc nào, từ công trường xây dựng đến các nhà máy, bệnh viện, công sở đều có thể gây đau lưng cho người lao động. Tuy nhiên khi lưng bị tổn thương, thường khó xác định nguyên nhân. Thực tế, có thể do một sự kết hợp phức tạp giữa lực và stress, bạn có thể không cảm thấy đau cho đến khi lưng bạn đã thực sự bị tổn thương.

 

Biện pháp đề phòng quan trọng nhất là loại bỏ hoặc điều chỉnh các tác hại gây tổn thương lưng. Thứ hai là thực hành đúng cách nâng các vật nặng. Thứ ba phải xem xét lại các vị trí lao động; tránh nâng nhấc và vận chuyển vật liệu nặng, cúi, vặn người… 

 

Khi vận chuyển các vật nặng cần phải có sự trợ giúp cơ học như băng tải, xe kéo tay, thang máy, giá di động, cần trục hoặc thêm người vận chuyển, tránh vận chuyển vật liệu khi sàn nhà trơn và có nhiều vật cản. Tránh nâng nhấc vật nặng từ sàn nhà, vật nặng phải được đặt trên giá cách sàn nhà ít nhất 45 cm. Tốt nhất nên vận chuyển đồ vật ở tầm giữa đầu gối và vai. Đồ vật phải được đựng trong các thùng nhỏ để  dễ dàng vận chuyển. Bề mặt làm việc phải được thiết kế vừa tầm tạo tư thế hợp lý và tránh các tư thế ngồi xổm, cúi, kéo căng, với về phía trước. Nếu bề mặt quá thấp, phải có ghế để ngồi. Ghế phải được thiết kế phù hợp với cơ thể, có tựa lưng thoải mái. Nếu làm việc trong tư thế đứng, phải trang bị kệ nghỉ chân cao khoảng 20 cm từ sàn nhà. Nếu làm việc lâu với một tư thế có thể luân phiên công việc cho công nhân để thay đổi tư thế, đặc biệt là khi nâng nhấc vật nặng.

 

Nếu bạn tuân thủ một cách tương đối các biện pháp trên thì vấn đề đau lưng trong lao động sản xuất sẽ được giải quyết giúp bạn yên tâm làm việc.

 

BS HUỲNH THẾ VINH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek