Kết quả nghiên cứu mới đây về sâu chít khẳng định loài côn trùng này có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là khả năng phục hồi thương tổn hệ miễn dịch sau chiếu xạ.
Sâu chít được dân gian ngâm rượu làm thuốc
Chúng còn giúp phục hồi các chỉ số sinh sản và bước đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư có xạ trị.
Nghiên cứu này được các bác sỹ thuộc Viện Y học Cổ truyền Quân đội tiến hành.
Tác dụng tăng cường sinh lực nam giới bước đầu cho kết quả khả quan trên động vật thí nghiệm. Dùng bột khô sâu chít (Brihaspa atrostigmella Moore) đường uống 0,25g/ngày/100g trọng lượng trong vòng 40 ngày có tác dụng cải thiện rõ rệt các chỉ số sinh sản (số lượng, chất lượng tinh trùng, hàm lượng testosteron) ở chuột cống đực bình thường, chuột cống đực gây suy giảm sinh sản bằng stress.
Với chuột cống đực trắng bị gây tổn thương tinh hoàn bởi nhiệt độ, sâu chít có tác dụng tăng trọng lượng tinh hoàn, tăng trọng lượng mào tinh, cải thiện mức độ giảm hàm lượng testosteron huyết thanh từ 1,072nmol/l lên 5,654nmol/l.
Đối với chuột nhắt trắng gây suy giảm miễn dịch bằng chiếu xạ 600 Rad/ 5 ngày được uống bột sâu chít cũng cho kết quả tốt. Bột sâu chít kích thích phục hồi hầu hết các chỉ tiêu đáp ứng miễn dịch (đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, không đặc hiệu), phục hồi cấu trúc mô học các cơ quan miễn dịch và tạo máu (tủy xương, tuyến ức, hạch và lách). Tỷ lệ sống sót sau chiếu xạ 30 ngày ở các lô chuột được uống sâu chít cao hơn lô chuột chiếu xạ không uống.
Nghiên cứu cũng cho thấy sâu chít chứa hàm lượng cao và đa dạng các acid amin, acid béo, các nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể, có tác dụng kháng hai dòng tế bào ung thư người (tế bào ung thư biểu mô và tế bào ung thư màng tử cung) trong ống nghiệm.
Đặc biệt, đánh giá tác dụng hỗ trợ điều trị trên một nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư vú sau phẫu thuật và đang tia xạ bước đầu cho thấy, trọng lượng cơ thể của bệnh nhân ở nhóm dùng bột sâu chít đã được cải thiện theo chiều hướng tốt.
Ở nhóm này, hàm lượng Hemoglobin, Protein toàn phần, số lượng tế bào TCD4 và TCD8 (tế bào có khả năng tiêu diệt tế bào u khi được hoạt hóa), cao hơn so với nhóm không dùng bột sâu chít. Thuốc từ bột sâu chít không ảnh hưởng đến chức phận tạo máu cũng như chức năng gan, thận ở các bệnh nhân nghiên cứu qua các chỉ số huyết học, hóa sinh.
Ngoài ra, TS Phan Anh Tuấn cũng đã nghiên cứu thành công thức và quy trình sản xuất thực phẩm chức năng “rượu bổ sâu chít” ở quy mô phòng thí nghiệm, đủ điều kiện đăng ký độc quyền sản phẩm và giấy phép lưu hành.
“Qua những kết quả đã nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận loài côn trùng này có tác dụng không thua kém Đông trùng hạ thảo vốn xưa nay được coi là thần dược của Trung Quốc. Chả thế mà sâu chít trong dân gian còn được gọi là Đông trùng hạ thảo nam” - TS Phan Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về sâu chít, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, cho biết.
Nuôi sâu để khai thác bền vững
Để bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững sâu chít, tránh tình trạng khai thác tràn lan trong tự nhiên dẫn đến cạn kiệt, TS - BS Phan Anh Tuấn cùng các nhà côn trùng học như GSTS Bùi Công Hiển, PGS - TS Nguyễn Văn Quảng và cộng sự lần đầu tiên đã nghiên cứu và có kết luận đầy đủ về đặc điểm sinh học (các giai đoạn phát triển trong vòng đời) của sâu chít. Đây là những cơ sở khoa học rất giá trị cho việc nhân nuôi.
“Chúng tôi đã bước đầu nghiên cứu nhân nuôi nhân tạo sâu chít trong phòng thí nghiệm nhưng chưa thành công. Tâm lý người tiêu dùng có thể cũng không tin tưởng ở chất lượng sâu chít nhân nuôi bằng con đường này. Do đó, chúng tôi đã tính đến biện pháp khả thi hơn: Nuôi bán nhân tạo ở Điện Biên - địa phương có điều kiện tự nhiên tốt để cây chít phát triển” - TS Phan Anh Tuấn cho biết.
Nhiều năm ròng theo dõi, nghiên cứu đặc điểm sinh thái học của sâu chít, TS Phan Anh Tuấn ghi nhận mật độ loài sâu này nhiều nhất tại tỉnh Điện Biên, đặc biệt ở các huyện Điện Biên Đông, Mường Chà và Mường Nhé.
Cây chít dễ sống, chúng ưa mọc trên các sườn đồi, núi dốc khó canh tác các loại cây khác. Một mảnh vườn nhỏ trồng thí điểm cây chít đã được gây dựng từ hai năm nay ở Điện Biên. Hiện nay, TS Tuấn cùng các cộng sự đang nghiên cứu, đề xuất quy hoạch một khu riêng để trồng cây chít và khai thác sâu chít một cách khoa học.
“Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép tiếp tục triển khai đề tài này ở cấp nhà nước nhằm đánh giá tác dụng điều trị của sâu chít trên lâm sàng, nghiên cứu nuôi trồng và sản xuất ra các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bổ đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng…. từ sâu chít.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần bảo tồn, phát triển, ứng dụng và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, đồng thời tránh tình trạng sử dụng vô tội vạ, thiếu khoa học các bài thuốc dân gian truyền miệng từ côn trùng, nhiều khi dẫn đến hậu quả xấu” – TS Tuấn cho biết.
Nghiên cứu về sâu chít của TS Tuấn và các đồng nghiệp được đánh giá là nghiên cứu cơ bản đầu tiên về sâu chít nói riêng và một trong những nghiên cứu bài bản về côn trùng làm dược liệu nói chung ở Việt Nam. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về sâu chít trên thế giới. Để xác định tên khoa học của loài này và khẳng định chắc chắn chưa có nghiên cứu nào “đụng hàng”, TS Phan Anh Tuấn đã mất hai năm tìm kiếm thông tin. Anh và các nhà côn trùng học đã phải nghiên cứu rất công phu cũng như gửi mẫu sâu chít trưởng thành sang Viện Bảo tàng động vật của Hoàng gia Anh để tham khảo ý kiến các nhà khoa học mới xác định được đầy đủ và chính xác tên khoa học cũng như vị trí phân loại của loài côn trùng này. |
Theo TPO