Thứ Sáu, 29/11/2024 09:35 SA
Vì sao trẻ dễ bị viêm phổi khi trời lạnh?
Thứ Ba, 26/02/2008 09:00 SA

Có nhiều tác nhân gây ra viêm phổi vi rút ở trẻ em

 

080226-viem-phoi.jpgThời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút thường gây viêm phổi ở trẻ em như các loại vi rút gây bệnh cúm, thủy đậu, vi rút hợp bào hô hấp..., gần đây là các vi rút nguy hiểm như vi rút Corona, vi rút H5N1. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp khi tiếp xúc, trẻ em có thể bị bệnh sau khi tiếp xúc với bạn bè,  người lớn bị bệnh, có thể gây thành dịch nguy hiểm. Ở trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh, càng nặng. 

 

Viêm phổi vi rút là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng tổn thương cấp tính, lan tỏa 2 bên phổi làm rối loạn trao đổi khí tại phổi gây nên tình trạng suy hô hấp, tiến triển nặng. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây nên tình trạng thiếu ôxy não nặng và kéo dài gây tử vong hoặc hậu quả nặng nề.

 

Khi trẻ có một số tình trạng bệnh lý khác kèm theo như suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch (trẻ nhiễm HIV/AIDS), một số dị tật bẩm sinh về tim mạch, phổi, lồng ngực, đẻ thiếu cân.... thì càng dễ mắc bệnh, bệnh càng nặng và khó khăn cho điều trị. Mặt khác, do chúng ta không có thuốc đặc hiệu kháng vi rút nên rất khó khăn và tốn kém cho điều trị.

 

Thận trọng với các dấu hiệu của bệnh

 

Khi vi rút mới xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu mà cha mẹ và người trông trẻ cần biết là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc.....

 

Nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi. Ngoài ra có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng. Nghe phổi có nhiều ran ẩm nhỏ hạt. Có thể có rối loạn tuần hoàn như sốc, trụy tim mạch... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật. Trước khi bị bệnh vài ngày, trẻ có thể tiếp xúc với trẻ khác, người lớn cũng bị ho, sốt, chảy nước mũi.

 

Hiện nay, các phương tiện giúp cho chẩn đoán nhanh chóng và chính xác hơn như xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, soi mũi họng, cấy dịch mũi họng tìm nguyên nhân.... Nếu nghi ngờ viêm phổi do vi rút  thì nên chụp phổi kiểm tra hằng ngày, thậm chí 2 lần/ ngày.

 

Không nên chậm trễ những chỉ định điều trị

 

Ngay khi phát hiện bệnh thì trẻ phải được nhập viện và cách ly. Chống suy hô hấp, chăm sóc tốt, hạ sốt, cân bằng rối loạn nội môi do sốt, độc tố của vi rút gây ra. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do vi rút nói chung cần được chẩn đoán và theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế. Không nên tự cho trẻ uống thuốc đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và rất khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.     

 

- Ở tuyến cơ sở: Nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (natriclorit 0,9%), súc miệng bằng dung dịch súc họng hoặc nước muối loãng ấm hằng ngày. Có thể dùng một số loại kháng sinh khi có tình trạng nhiễm khuẩn như penixilin, amoxilin, erythromycin...., tốt nhất nên dùng đường uống, dạng sirô. Khi tình trạng bệnh không cải thiện thì nên chuyển lên tuyến trên.

 

- Khi trẻ viêm phổi nặng: Nên nằm điều trị nội trú tại bệnh viện, theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Các thuốc kháng vi rút: oseltamivir (tamiflu), amantadin, ribavirin. Chú ý theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.

 

Các biện pháp điều trị hỗ trợ là cần hạ nhiệt (dùng paracetamol, chườm mát)...; làm thông thoáng đường thở: hút sạch đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Khi trẻ có biểu hiện suy thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ. Truyền dịch khi trẻ sốt cao kéo dài, biểu hiện mất nước... Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược, vệ sinh sạch sẽ, theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.

 

Giữ gìn sức khỏe cho trẻ và nên phòng bệnh bằng vắc xin

 

Bảo đảm cho trẻ có một sức khỏe tốt là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc miệng hằng ngày với trẻ lớn. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Nhỏ mũi hàng ngày bằng natriclorit 0,9%. Cách ly trẻ bệnh với trẻ khác để tránh lây lan thành dịch.

 

Phát hiện các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân.... Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhà để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự dùng thuốc cho trẻ. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, bảo đảm thai nhi phát triển tốt, nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi,

 

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có một số loại vaccin phòng viêm đường hô hấp khác, nhưng khi tiêm cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ y tế nhằm đảm bảo hiệu quả và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Theo ThS. Đỗ Minh Hải

Sức khỏe & Đời sống

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek