Ngày nay, không ít người sử dụng phương án uống các loại thuốc, trà giảm béo với mong muốn nhanh chóng giảm cân mà không hiểu rằng việc làm này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng (nhất là phụ nữ) luôn muốn làm đẹp và trong tình hình ngày càng có nhiều người béo phì, các loại trà, thuốc giảm béo được tung ra thị trường. Nhiều chị em đã không tiếc tiền mua các loại sản phẩm với lời quảng cáo hết sức hấp dẫn như giảm từ 4-5kg trong vòng 1 tuần -1 tháng.
Cẩn thận khi dùng các loại trà giảm béo – Ảnh: THÙY THẢO |
PHÁT HOẢNG VÌ SỤT KÝ NHANH
Không ít trường hợp phải cấp cứu vì bị mất nước, suy kiệt cơ thể khi sử dụng những sản phẩm này vì mang tiếng là trà nhưng trong thành phần thuốc có chứa fenfuramine (hoạt chất gây chán ăn), làm cho người sử dụng thuốc có cảm giác luôn luôn no.
N.T.T.T, sinh viên trường Đại học Mở – Bán công TP Hồ Chí Minh quê ở huyện Tây Hòa, cho biết: “Tôi có vóc dáng hơi tròn một chút, có đứa bạn nói ăn mỗi ngày một trái bưởi sẽ giảm mỡ. Nhưng thấy tác dụng này lâu quá nên tôi không đủ kiên nhẫn. Nghe một bạn giới thiệu thuốc giảm béo dưới dạng các loại trà có tác dụng làm cho người thon thả, duyên dáng nên tôi quyết định dùng luôn. Kết quả, là tôi có giảm cân thật, nhưng tim lại đập nhanh và bị tiêu chảy kéo dài sợ quá không dám uống nữa. Bây giờ, muốn tăng lên vài ký lại rất khó”.
Còn chị M.T.G (phường 7, TP Tuy Hòa) thì bảo: “Sinh cháu xong, cơ thể tôi mập lên bất thường không thể kiểm soát được. Nghe nói có trà giảm béo, tôi mua về dùng. Sau một tháng “làm bạn” với nó, tôi bị sụt ký nhanh chóng. Rất lâu sau đó, cơ thể mới hồi phục trở lại. Tôi tự hứa từ nay dù có mập thế nào cũng sẽ không dùng các loại thuốc hay trà giảm béo nữa!”.
ĐỪNG TIN QUẢNG CÁO MÀ “TIỀN MẤT, TẬT MANG”
Theo bác sĩ Bùi Trần Ngọc (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), dù tạo hóa không ban tặng cho bạn một vóc dáng xinh đẹp, gợi cảm nhưng có rất nhiều cách giúp cho cơ thể thon thả, dễ nhìn mà không nhất thiết phải dùng thuốc giảm béo hoặc các thực phẩm giảm cân đang bày bán trên thị trường hiện nay. Cách làm khoa học và đảm bảo nhất là thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vận động bằng những bài tập thể thao phù hợp với lứa tuổi. Tùy trường hợp béo như thế nào mà có những thực đơn, chế độ ăn uống, sinh hoạt khác nhau. Đừng để bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo mà nguy hại đến tính mạng!
Còn ông Phạm Ngọc Chương (Phó trưởng phòng Quản lý dược – Sở Y tế Phú Yên) cho biết: Sử dụng thuốc giảm béo, trà giảm béo dễ gây tiêu chảy, mất nước, rối loại đường tiêu hóa, tụt huyết áp, tim đập nhanh… Nhiều loại thuốc giảm béo phì bị cấm là Fenfluramine, Dexfenfluramine, Ponderal, Isomeride, Anorex, Tenuate… vì gây tác dụng phụ hoặc không có hiệu quả. Việc chữa trị béo phì chủ yếu là tiết chế ăn uống, tăng hoạt động thể lực, giảm hoạt động tĩnh như xem ti vi, ngồi máy tính. Cần cẩn thận với các loại trà được quảng cáo có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan… Tóm lại, để có vóc dáng đẹp cần có chế độ dinh dưỡng vận động hợp lý. Nếu sử dụng các sản phẩm, thuốc giảm cân để chữa béo phì thì tốt nhất là cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để tránh hậu quả “tiền mất tật mang”...
PHẠM THÙY