Thứ Sáu, 29/11/2024 11:36 SA
Biến chứng nguy hiểm từ bệnh thủy đậu
Thứ Năm, 21/02/2008 14:35 CH

Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng khi biến chứng cũng có thể gây tử vong, nhất là với người lớn. Những hiểu biết và cách phòng chống bệnh thủy đậu sẽ giúp bạn phát hiện sớm bệnh và có những xử trí hợp lý nhất.

080221-thuy-dau.jpg
Những nốt đỏ do bệnh thủy đậu gây ra sẽ mất dần
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Herper gây ra. Bệnh rất dễ lây và thường gặp ở độ tuổi từ 2 đến 10 tuổi. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ, tương đối lành tính với các triệu chứng như trẻ chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ, khó chịu, nổi nốt phỏng (nhiều ít tùy trường hợp). Không ít trường hợp chỉ khi tắm rửa cho con, các bậc cha mẹ mới tình cờ phát hiện trên da trẻ các nốt phỏng thủy đậu.

Do đó, đại đa số người tin rằng nó là một bệnh lành tính và có thể coi là một hiện tượng nhẹ nhàng, bình thường ở trẻ nhỏ. Cũng từ đó không ít người đã không quan tâm đến việc tiêm phòng cho trẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, bệnh thủy đậu có thể gây nhiều loại biến chứng, đặc biệt có những biến chứng trầm trọng, đe dọa tới sinh mạng của người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân lớn tuổi (tỉ lệ tử vong do biến chứng ở đối tượng trên 16 tuổi cao gấp 30 lần so với bệnh nhân là trẻ nhỏ).

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị biến chứng khi mắc thủy đậu, do vậy, các bậc cha mẹ không nên vì thiếu hiểu biết mà xem nhẹ loại bệnh tưởng như rất lành này.
 
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh

Đối với thể thông thường, sau thời gian nung bệnh trung bình là 14 ngày và không có biểu hiện gì, triệu chứng bệnh sẽ sang giai đoạn khởi phát, với các dấu hiệu ban đầu gồm: Sốt nhẹ khoảng 38 độ; Cảm giác khó chịu, mệt mỏi; Đau đầu; Chán ăn; Phát ban trên da.

Các nốt ban thủy đậu trên da là dấu hiệu đặc trưng duy nhất của bệnh. Thoạt tiên các nốt xuất hiện ở phần thân mình, từ đó lan ra khắp thân thể, lên trán, da đầu (ngoại trừ lòng bàn tay và gan bàn chân).

Các nốt thủy đậu xuất hiện thành 2 đến 3 đợt liên tiếp trong nhiều ngày. Số lượng nốt thay đổi tùy trường hợp từ hàng chục đến hàng trăm nốt.

Ban đầu là các nốt ban đỏ, tiến triển thành nốt sần rất ngứa, trong vòng 24 giờ sau sẽ chuyển sang dạng nốt phỏng chứa dịch trong. Khoảng 2 ngày sau các nốt phỏng này chuyển sang màu đục, để rồi vỡ ra, khô héo, tạo nên một lớp vảy màu nâu nhạt, rất ngứa. Các vẩy này sẽ bong sau vài ngày, không để lại sẹo nếu bệnh nhân không gây bội nhiễm vi khuẩn do gãi ngứa.

Virus thủy đậu lây truyền theo đường nào?

Virus thủy đậu có thể lan truyền theo đường không khí: qua các giọt nhỏ bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi…

Hiếm hơn, người khác có thể lây khi tiếp xúc với các tổn thương gây ra bởi các nốt thủy đậu trên da và niêm mạc.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị nhiễm virus có thể truyền bá virus sang người lành ngay cả trước khi có biểu hiện lâm sàng, trước khi có nốt thủy đậu trên da. Thời gian truyền bệnh kéo dài cho tới khi nốt đậu bong vảy.

Phương thức truyền virus thủy đậu qua rau thai từ thai phụ mắc thủy đậu rất hiếm gặp.

Đối tượng nào dễ mắc thủy đậu?

Các trẻ em chưa hề bị thủy đậu hoặc trẻ em chưa được tiêm phòng văcxin chống thủy đậu, các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch là những đối tượng dễ bị bệnh thủy đậu ghé thăm.

Chính vì vậy, khi bệnh thủy đậu trở thành dịch thì nhà trẻ, mẫu giáo và các trường tiểu học thường là nơi bệnh bùng phát.

Nguy cơ bị lây nhiễm trong gia đình do có một người mắc bệnh, có tỷ lệ khoảng 90%.

Cách điều trị bệnh thủy đậu

080221-thuy-dau-1.jpg
Tiêm phòng thủy đậu vẫn là cách tốt nhất

Cũng giống như các bệnh do nguyên nhân virus khác, bệnh thủy đậu sẽ diễn biến khỏi tự nhiên nếu không có biến chứng.

Phương pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Nội dung điều trị gồm:

- Bệnh nhân được nghỉ ngơi và cách ly cho tới khi bong hết vảy của nốt thủy đậu.

- Sử dụng thuốc chống dị ứng giúp giảm nhẹ triệu chứng ngứa, khuyến cáo bệnh nhân tránh gãi, cắt móng tay, vệ sinh bàn tay để tránh nhiễm trùng khi gãi.

- Dùng thuốc sát trùng tại chỗ bôi lên nốt thủy đậu. Giữ tốt vệ sinh da bằng cách tắm nhanh với nước ấm sau khi tổn thương đã bong vẩy. Dùng khăn thấm khô. Tuyệt đối không dùng bột tale. Chú ý không để bệnh nhân nhiễm lạnh trong và sau khi tắm.

- Tiêm huyết thanh miễn dịch. Thường dùng cho người bị suy giảm miễn dịch có tiếp xúc với nguồn bệnh.

Các biến chứng có thể gặp

Được mệnh danh là loại bệnh lành tính, nhưng thật ra thủy đậu cũng có thể gây nguy hiểm và nguy cơ này có thể xảy ra cho bất kể bệnh nhân nào.

Theo thống kê của một nước Âu - Mỹ nguy cơ nhập viện do biến chứng thủy đậu ở trẻ em cao gấp 3-4 lần số trẻ em phải nhập viện do các tai nạn giao thông và sinh hoạt.

Các biến chứng có thể gặp gồm:

- Sẹo xấu

- Nhiễm trùng da

- Viêm phổi

- Viêm tai giữa

- Nhiễm trùng máu

- Viêm xương do nhiễm trùng

- Viêm nội mạc cơ tim do nhiễm trùng

- Viêm não do nhiễm trùng

- Rối loạn đồng vận cơ bắp

- Sự tồn tại của virus trong cơ thể sau khi bệnh thủy đậu khỏi có thể dẫn tới bệnh zona trong tương lai.

Các loại biến chứng nặng có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện điệu trị cấp cứu, thậm chí tử vong. Điều mà các bậc cha mẹ cần biết là các tử vong này có thể được tránh khỏi nhờ tiêm chủng phòng bệnh.

Hiệu quả của văcxin chống thủy đậu ra sao?

Văcxin chống thủy đậu có mặt trên thị trường thuốc hiện nay có nồng độ kháng thể đạt trên 98% ở các trẻ (từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi) sau khi tiêm phòng từ 4 đến 6 tuần lễ.

Cũng giống như các loại văcxin khác, chỗ tiêm có thể đỏ, đau. Đôi khi, trẻ có thể bị nốt hoặc nổi ban giống như nốt thủy đậu trên thân thể hoặc tại vị trí tiêm.

Đến thời điểm này, chưa ghi nhận có tai biến nào hoặc tác dụng phụ quan trọng nào khi sử dụng văcxin này. Các trẻ có độ tuổi từ 1 tuổi đến 12 tuổi chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất; trẻ trên 13 tuổi cần tiêm đủ 2 lần, mỗi lần 1 mũi, cách nhau từ 6 đến 10 tuần lễ.

BS Lê Quang Hồng - VTC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek