Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỉ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi.
Một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ gia đình châu Á năm 2105 nhận định Việt Nam là nước có tần suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 9,4% và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi lễ míttinh ngày hội truyền thông: tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, do Bộ Y tế tổ chức sáng 16/12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây ra tàn phế, tử vong, và các gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, theo kết quả của các thống kê cho thấy bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới, gây ra hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu và theo dự báo của WHO, đến năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
Tuy nhiên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản cũng như một số bệnh không lây nhiễm có thể phòng, tránh nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến; triển khai hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm khác tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỉ lệ phát hiện sớm và giảm khoảng trống điều trị bệnh.
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu và tình nguyện viên đã tham gia chương trình đạp xe diễu hành nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và từ năm 2016 đến nay là các chương trình mục tiêu y tế dân số để đầu tư các nguồn lực cho phòng chống bệnh không lây nhiễm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025.
Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đề ra mục tiêu đến đến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Theo TTXVN, Vietnam+