Chủ Nhật, 06/10/2024 23:15 CH
Sốt xuất huyết: Bệnh truyền nhiễm có những biến chứng nguy hiểm
Thứ Hai, 10/12/2018 07:02 SA

Bác sĩ Phan Thị Bích Vân thăm khám một bệnh nhi sốt xuất huyết đang được điều trị tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Với gần 1.170 ca mắc sốt xuất huyết, hơn 70 ổ dịch đã được xử lý trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng qua, bệnh truyền nhiễm này là nỗi lo của ngành Y tế Phú Yên. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được tăng cường, đặc biệt là tại những địa phương có số ca mắc cao; hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Tuy nhiên không ít người vẫn còn chủ quan, lơ là với căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm, được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại đáng quan tâm nhất do muỗi truyền.

 

Tại Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, số bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết trong thời gian gần đây tăng gần 10 lần so với bình thường. Phóng viên Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Phan Thị Bích Vân, Phó khoa phụ trách Khoa Nội Nhi tổng hợp về diễn biến khó lường và sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, nhất là đối với trẻ em. Bác sĩ Bích Vân cho biết:

 

- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh, bệnh nhân có thể tử vong từ ngày thứ ba cho đến cuối ngày thứ năm kể từ khi phát bệnh. Vi rút Dengue lây truyền qua muỗi Aedes aegypti đốt.

 

Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt liên tục cộng với xuất huyết trong tế bào, làm mất huyết tương nên hồng cầu trong máu sẽ bị cô đặc lại. Phải làm xét nghiệm máu mới biết huyết tương mất nhiều hay ít; hồng cầu có cô đặc hay không; tiểu cầu - đóng vai trò quan trọng trong quá trình giúp đông máu - có giảm hay không.

 

Thông thường, lượng tiểu cầu từ 150.000-400.000/ml máu. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm, lượng tiểu cầu giảm xuống, có thể chỉ còn 30.000, 20.000 hay 10.000/ml máu, dẫn đến rối loạn đông máu, nguy cơ xuất huyết não, xuất huyết tại các cơ quan nội tạng tăng cao…

 

Để hồng cầu không bị cô đặc, thầy thuốc điều trị bằng cách làm loãng hồng cầu, bù lại lượng huyết tương đã mất, đồng thời theo dõi dấu hiệu xuất huyết trong cơ thể bệnh nhân. Điều trị sốt xuất huyết là điều trị những triệu chứng, biến chứng do sốt xuất huyết gây ra; hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh này diễn biến phức tạp, chủ yếu từ đầu ngày thứ ba cho đến cuối ngày thứ năm… Đa số bệnh nhân sẽ ổn sau một tuần điều trị. Điều nguy hiểm là bệnh nhân thiếu kiến thức, chủ quan, mà thầy thuốc không chịu khó giải thích, tư vấn kỹ.

 

* Trẻ có những triệu chứng gì thì phải nghĩ đến sốt xuất huyết, thưa bác sĩ?

 

- Khi đứa trẻ sốt liên tục, li bì, cho dù đã dùng thuốc hạ sốt và đã được lau mát nhưng trẻ vẫn sốt thì phải nghĩ đến sốt xuất huyết. Nhưng trong nhiều trường hợp, sốt siêu vi, viêm não giai đoạn đầu cũng có triệu chứng tương tự. Vì vậy, thầy thuốc phải làm test huyết thanh chẩn đoán. Tuy nhiên, test nhanh vẫn có sai số. Xét nghiệm quan trọng nhất để hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết là xét nghiệm công thức máu.

 

Tóm lại, nếu trẻ sốt li bì thì phải đưa trẻ đi khám, không được tự ý mua thuốc uống.

 

* Ngoài sốt xuất huyết còn có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị sốt. Bác sĩ có thể tư vấn cách xử trí khi trẻ sốt cao?

 

- Nếu sốt cao mà không xử trí kịp thời thì trẻ sẽ co giật, rất nguy hiểm. Co giật là biến chứng nguy hiểm nhất của sốt. Có trẻ sốt 40 độ C chưa co giật, nhưng có trẻ mới 38,5 độ C đã co giật rồi. Vì vậy, cha mẹ, người thân phải biết cách khống chế nhiệt độ cơ thể trẻ tại nhà khi chưa kịp đưa đến bác sĩ hay cơ sở y tế, không để sốt cao.

 

Phải lập tức hạ sốt cho trẻ bằng đường uống hoặc đặt hậu môn. Các gia đình có trẻ em luôn luôn phải có thuốc hạ sốt để sẵn trong nhà, phòng khi trẻ bị sốt trong đêm khuya. Tại ngăn đá tủ lạnh thì cất thuốc hạ sốt dùng để đặt hậu môn, còn trong tủ thuốc của gia đình thì cất thuốc gói. Theo cân nặng của trẻ mà dự phòng thuốc hạ sốt, liều dùng là 10-15mg/kg.

 

Ví dụ em bé 10kg thì mua gói thuốc 150mg. Sau một thời gian, hãy lấy thuốc ra coi thử còn hạn sử dụng hay không, nếu hết hạn thì bỏ, mua thuốc khác. Đối với thuốc hạ sốt bằng đường uống, ta có thể bớt liều lượng, ví dụ dùng hai phần ba gói, bỏ bớt một phần ba. Nhưng thuốc đặt hậu môn thì không được bẻ bớt. Tác dụng hạ sốt nằm ở phần đuôi của viên thuốc đặt, nếu cắt bớt thì sẽ mất tác dụng.

 

Khi phát hiện trẻ bị sốt, ta cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay, liều hạ sốt đầu tiên không có hại gì cả. Nhưng liều thứ hai, thứ ba thì phải cách nhau 4 tiếng đồng hồ, không uống liên tục vì sẽ gây hại cho gan. Thuốc hạ sốt có tác dụng phụ là làm tổn thương tế bào gan.

 

Nhiệt độ cơ thể của trẻ không thể hạ ngay sau khi uống thuốc hạ sốt. Vì vậy, ta phải hạ nhiệt độ bằng cách lau mát. Chuẩn bị hai thau nước khác nhau, như thau màu xanh và thau màu đỏ. Thau màu xanh có 5 cái khăn, dùng để lau phần trên cơ thể, còn thau màu đỏ có 2 cái khăn, dùng để lau phần dưới. Nước phải nóng, không dùng nước hơi ấm, vì khăn nhúng vào nước hơi ấm, đắp lên thì nguội ngay và sẽ làm bé bị lạnh. Ta cho khăn vào nước nóng, vắt ráo, gấp lại rồi đắp lên trán, lên phía sau hai dái tai, đắp vào nách trẻ. Khi thấy khăn lạnh thì lại nhúng vào nước nóng, vắt ráo, gấp lại rồi đắp. Phải thay nước liên tục và giặt khăn liên tục để đảm bảo vệ sinh. Với thau màu đỏ, ta nhúng khăn, vắt ráo và đắp ở bẹn. Làm liên tục thì sẽ hạ được sốt cho bé.

 

Sau đó phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị. Nếu bác sĩ còn nghi ngờ thì cho làm cận lâm sàng, ví dụ xét nghiệm máu coi thử có mắc sốt xuất huyết hay không, có nhiễm trùng gì nặng hay không, siêu âm xem ổ bụng có gì bất thường không… Nếu trẻ ho thì phải khám họng và khi cần thì chụp X-quang phổi. Sau khi chẩn đoán thì theo dõi trong vòng 2-3 ngày. Nghĩa là hôm sau phải đưa trẻ trở lại để được kiểm tra hoặc làm xét nghiệm máu lại, nhằm phát hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh mà có thể trong ngày thứ nhất chưa “lộ” ra, hoặc theo dõi bệnh có biến chứng gì không.

 

Ví dụ, nếu trẻ bị sốt siêu vi thì có thể có biến chứng tiêu chảy; đến ngày thứ ba trẻ sẽ nôn, tiêu chảy. Nếu bác sĩ không hẹn người nhà đưa bệnh nhi quay trở lại, kê đơn thuốc liền trong mấy ngày rồi để đi một mạch thì trẻ sẽ nôn, tiêu chảy dẫn đến mất nước. Với bác sĩ nhi khoa, giáo dục sức khỏe rất quan trọng, mình phải chịu khó giải thích để mẹ, cha bệnh nhi hiểu được, cộng tác với mình. Người mẹ có con bị bệnh sẽ như là bác sĩ thứ hai, cộng tác tốt với mình chăm sóc trẻ.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek