Trên đường đi làm, ông M (huyện Tây Hòa) đột nhiên bị đau thắt ngực, cảm giác như có vật nặng ép chặt ngực mình. Không hề biết cơn đau này báo hiệu bệnh nguy hiểm, ông cố gắng điều khiển xe máy về nhà (cách nơi làm việc không xa) để nghỉ ngơi. Con gái ông thấy cha mệt lả, vội đưa đến nhà một thầy thuốc quen trong làng. Sau khi bắt mạch, đo huyết áp, thầy thuốc hoảng hốt giục đưa ông đến cơ sở y tế. Được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, từ Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa, ông M lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Thầy thuốc kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của một người ngất giữa đám đông (ảnh minh họa) - Ảnh: YÊN LAN |
Chẩn đoán chính xác và xử trí của những người thầy thuốc ở tuyến dưới đã góp phần quan trọng không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong việc cứu sống trái tim đang nguy kịch của ông M. Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết cho tan bớt huyết khối trong lòng động mạch vành. Sau đó, khi các bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên tiếp tục chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da, ông M được ê kíp thầy thuốc hai bệnh viện điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật này. Ông đã bình phục và trở lại với công việc.
Theo BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đau ngực là một triệu chứng rất thường gặp trên lâm sàng, do nhiều nguyên nhân. Việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực đôi khi rất khó khăn, nhưng điểm quan trọng nhất đối với các thầy thuốc lâm sàng là cần phải chẩn đoán xác định hoặc loại trừ được các nguyên nhân gây đau ngực nguy hiểm.
Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực cấp, như đau ngực có nguồn gốc từ thành ngực (do nhiễm trùng da, cơ; do chấn thương đụng dập cơ; zona thần kinh; viêm dây thần kinh liên sườn; viêm khớp ức sườn), đau ngực có nguồn gốc tại phổi - màng phổi (tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi, áp xe phổi), đau ngực có nguồn gốc từ tim mạch (nhồi máu cơ tim, phình bóc tách động mạch chủ, viêm màng ngoài tim, tắc mạch phổi), đau ngực có nguồn gốc từ cơ quan tiêu hóa (hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, co thắt thực quản, thủng rách thực quản, viêm loét thực quản, viêm loét dạ dày) và đau ngực do tâm lý (rối loạn lo âu, trầm cảm, hội chứng rối loạn thần kinh thực vật).
“Tuyến cơ sở là tuyến xử trí ban đầu. Trước một bệnh nhân đau ngực, thầy thuốc phải chẩn đoán xác định hoặc loại trừ được các nguyên nhân gây đau ngực nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân như: hội chứng mạch vành cấp, phình bóc tách động mạch chủ ngực, tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi áp lực”, bác sĩ Châu Khắc Toàn chia sẻ với các học viên lớp bồi dưỡng kỹ năng cấp cứu.
Những kiến thức, kỹ năng được các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm truyền đạt, hướng dẫn cho học viên đến từ các trung tâm y tế, trạm y tế và một số trạm chuyên khoa, bệnh viện, trong thời gian diễn ra lớp bồi dưỡng (từ ngày 3/8-1/10). Trong bài giảng “Tiếp cận, chẩn đoán, xử trí đau ngực cấp”, bác sĩ Châu Khắc Toàn - người có 26 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - lưu ý các học viên: Khi tiếp cận bệnh nhâu đau ngực phải đánh giá các dấu hiệu toàn trạng, các thông số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ…) để có thái độ xử trí kịp thời. Thầy thuốc tiến hành ngay hồi sinh tim phổi khi có dấu hiệu ngừng tuần hoàn.
Trong mọi trường hợp, nếu có dấu hiệu bất thường trong các dấu hiệu sinh tồn đi kèm đau ngực thì cần chú ý đến những nguyên nhân nguy hiểm; cần nhanh chóng khai thác bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng để có hướng chẩn đoán phân biệt sớm; hết sức chú ý những nguyên nhân nguy hiểm, cấp tính thường gặp và có thể gây chết người của đau ngực, như hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu phổi, bóc tách động mạch chủ ngực, tràn khí màng phổi.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, mục đích chính của lớp bồi dưỡng kỹ năng cấp cứu là chuẩn bị nguồn nhân lực cấp cứu ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, nhận thấy các cơ sở khám chữa bệnh cần có đội ngũ chuyên nghiệp để vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên an toàn, nhân việc chuẩn bị nhân lực cho Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh Phú Yên, Sở Y tế mở rộng đối tượng tham gia lớp bồi dưỡng, đặc biệt là các y sĩ đa khoa vừa được tuyển dụng.
Với bài giảng “Ngừng tuần hoàn”, bác sĩ Mộng Ngọc cung cấp cho học viên nhiều kiến thức về cấp cứu số 1. Việc hồi sức phải được tiến hành ngay, tại bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào nhưng phải có nguyên tắc và có hệ thống nhằm tăng tưới máu, tăng oxy cho các mô cơ quan, tránh tình trạng mất hồi phục, nhất là não. Việc hồi sức cơ bản được tiến hành theo 4 bước: duy trì tuần hoàn, thông suốt đường hô hấp, đảm bảo thông khí, sốc điện.
Bác sĩ Mộng Ngọc lưu ý: Trước hết phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân cũng như người cấp cứu (đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, ngắt nguồn điện nếu nạn nhân bị điện giật…), sau đó đánh giá tình trạng ý thức của nạn nhân bằng cách lay vai và gọi to, đồng thời kiểm tra xem nạn nhân có thở không. Nếu nạn nhân không tỉnh, không thở hoặc thở ngáp thì gọi cấp cứu hỗ trợ.
Người cấp cứu có nhiều nhất là 10 giây để kiểm tra mạch của nạn nhân, nếu không thấy mạch hoặc không chắc chắn là có mạch thì bắt đầu ép tim - thổi ngạt… “Đối với cấp cứu ngưng tuần hoàn, phải tranh thủ từng giây. Và trước bệnh nhân mà phải tranh thủ từng giây để cấp cứu thì việc trả lời điện thoại, dù chỉ một câu, cũng không được phép”, bác sĩ Mộng Ngọc, người đã hơn 20 năm làm lâm sàng, trong đó có khoảng 15 năm làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nhấn mạnh với học viên.
Y sĩ đa khoa Phan Tử Nguyên (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Lần đầu tiên được bồi dưỡng kỹ năng cấp cứu, tôi thấy rất hay và hữu ích”. Còn y sĩ đa khoa Trần Anh Tú (Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa) nói: “Tham gia lớp bồi dưỡng, tôi được cập nhật những kiến thức mới, giúp ích cho công việc cấp cứu ngoại viện của tôi”.
YÊN LAN