Diễn biến âm thầm, lại chưa được quan tâm đúng mức, loãng xương trở thành một trong những bệnh mãn tính có chi phí điều trị cao. Hội thảo khoa học “Loãng xương - nhận biết và chiến lược điều trị” do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây cho thấy cần phải thay đổi nhận thức về quy mô cũng như hậu quả nặng nề của bệnh loãng xương và tầm quan trọng của việc tạo ngay từ đầu một khung xương thật tốt.
Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Đây là hậu quả của sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương.
Có rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc nhận biết và điều trị loãng xương do đặc thù của căn bệnh này và cả do nhận thức. Theo TS-BSCKII Nguyễn Tấn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, căn bệnh âm thầm này “ăn cắp” xương của chúng ta ngày một tăng dần theo thời gian, tuổi tác. “Hiện tại, việc điều trị thường tập trung vào điều trị hậu quả, tức gãy xương, chưa chú trọng đến việc điều trị bệnh loãng xương. Hậu quả của loãng xương là rất lớn; chi phí điều trị loãng xương không thua chi phí điều trị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và còn hơn cả chi phí điều trị đái tháo đường”, TS Nguyễn Tấn Dũng cho biết. Trong khi đó, thực trạng chỉ có bác sĩ chuyên khoa Khớp mới được cho thuốc điều trị loãng xương dẫn đến việc đại đa số bệnh nhân loãng xương không được tiếp cận điều trị. Và một số loại thuốc mới như Denosumab, Odanacatib, Teriparatide vẫn chưa có mặt tại Việt Nam.
Các thầy thuốc chẩn đoán loãng xương bằng cách khảo sát khối lượng xương ở hai vị trí: cột sống và cổ xương đùi của bệnh nhân; chẩn đoán loãng xương dựa trên chỉ số T score và chẩn đoán bằng phương pháp hấp thụ năng lượng tia X kép (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã được trang bị máy đo mật độ xương bằng phương pháp này). Ngoài máy móc đo mật độ xương còn có thêm một số mô hình tiên lượng gãy xương, và thầy thuốc dựa vào đó để điều trị. Theo TS Nguyễn Tấn Dũng, hướng đi trong 10 năm tới là tập trung vào một số thuốc liên quan đến gen để điều chỉnh làm sao cho tế bào hủy xương không hoạt động, như vậy khối lượng xương đỉnh mới tăng lên. “Nếu chúng ta tăng được khối lượng xương đỉnh lên 10% thì sẽ giảm 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong cả cuộc đời”, TS Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Tấn Dũng, mục tiêu số 1 trong điều trị loãng xương là tập trung phòng ngừa gãy xương; mục tiêu số 2 là nâng dần mật độ xương, tuy nhiên việc này cũng không hoàn hảo. Chính vì vậy, tạo ngay từ đầu một khung xương thật tốt là điều cực kỳ quan trọng. Và phải để ý đến các yếu tố làm giảm hấp thu canxi như rượu, cà phê, muối, dùng quá nhiều thịt, dùng các thuốc điều trị bệnh lý dạ dày, tá tràng…
Chiến lược trong phòng ngừa loãng xương là có chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cơ xương, tập luyện thể chất nhằm tăng khả năng tổng hợp protein cho cơ và phòng té ngã. Thức ăn giàu canxi không thiếu, từ cua, tôm, tép gạo, hến, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt, ốc bươu, hải sâm… đến mè, mộc nhĩ, rau dền cơm, cần tây, lá lốt, rau húng, ray đay…, cũng không thể bỏ qua sữa cùng các chế phẩm từ sữa. Nguồn vitamin D cũng không thiếu: ánh sáng mặt trời và các thực phẩm tốt: dầu gan cá, một số loại cá có mỡ (cá hồi tự nhiên, cá trích, cá thu…) trứng, sữa, bơ thực vật… “Đầu tư chất lượng xương dựa vào nguồn thực phẩm này chứ không phải đầu tư theo kiểu mua thuốc đắt tiền để uống”, TS Nguyễn Tấn Dũng nói.
Tham dự hội thảo, các thầy thuốc đưa ra nhiều câu hỏi, thảo luận nhiều vấn đề về những khó khăn, thách thức trong nhận biết và điều trị loãng xương. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Lão học (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) nói: “Loãng xương là một vấn đề lớn đối với người lớn tuổi. Hội thảo này rất quan trọng trong việc “nhận diện” loãng xương và có chiến lược điều trị, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống”. Bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, cho biết: Hội thảo cập nhật nhiều kiến thức mới. Sau khi tham dự hội thảo, tôi sẽ truyền đạt lại cho các đồng nghiệp ở Sơn Hòa để họ quan tâm hơn đến căn bệnh phổ biến này.
Loãng xương rất phổ biến trong cộng đồng, nhưng các bác sĩ lẫn người dân chưa quan tâm đúng mức đối với căn bệnh phổ biến và nguy hiểm này. Hội thảo nhắc nhở các bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh cho người dân cần lưu ý đến bệnh loãng xương, thứ hai là đưa thông tin đến cộng đồng, giúp người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh loãng xương và chủ động phòng ngừa sớm để có một khung xương khỏe mạnh lâu dài.
Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên |
YÊN LAN