Từ đầu năm đến giữa tháng 10, cả nước ghi nhận 148.261 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong, trong đó số trường hợp nhập viện là 125.286 trường hợp.
Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra trong buổi tập huấn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng cho 6 tỉnh khu vực miền Tây có số mắc bệnh tăng cao, diễn ra ngày 19-20/10 tại TP Cần Thơ.
Phát biểu tại buổi tập huấn, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh năm nay số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng cao do nhiều nguyên nhân. Do vậy, số người bệnh đến khám, nhập viện điều trị cũng tăng cao gây quá tải bệnh viện do vậy các đơn vị phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh để bảo đảm thu dung điều trị người bệnh giảm tỉ lệ tử vong.
“Để đạt được kết quả đó việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác giai đoạn, chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác là vô cùng quan trọng. Trong cấp cứu, điều trị phải hết sức tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành theo diễn biến của bệnh”, ông Khuê chỉ rõ.
Bộ Y tế yêu cầu, cùng với việc tập huấn để nâng cao kiến thức, các bệnh viện phải củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị sốt xuất huyết”, đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch và các bệnh dịch nói chung tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, số mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã giảm 80% (từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày). Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận.
Theo dự báo của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tiếp tục được khống chế, không có đỉnh dịch thứ 2 nếu duy trì các hoạt động chống dịch quyết liệt như hiện nay.
Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa lăng quăng/bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch.
Theo Vietnam+