Với sự tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm được thời gian nên thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến và là một phần thiết yếu của người dân đô thị. Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng kèm theo mối lo lắng về chất lượng và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một điểm bán thức ăn trên vỉa hè ở TP Tuy Hòa - Ảnh: MINH CHÂU |
Thức ăn đường phố thường đa dạng và tiện lợi cho người tiêu dùng. Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền. Thế nhưng, thức ăn đường phố cũng kèm theo mối lo lắng về chất lượng và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có mặt bằng hạn chế, phần lớn dùng nhà ở để kinh doanh hoặc thuê lại những vị trí tạm thời, không ổn định. Bên cạnh đó, do đặc điểm thức ăn đường phố thường phục vụ ở những nơi đông người qua lại như các đầu mối giao thông, chợ, trường học, bệnh viện… nên không khí xung quanh thường bị ô nhiễm, bụi bẩn… Đây là điều kiện cho côn trùng phát triển, dễ gây ô nhiễm thức ăn, nhất là những loại thức ăn chế biến sẵn, khối lượng lớn, thời gian bày bán kéo dài, không có tủ bảo quản thức ăn. Tình trạng thức ăn sống, chín để lẫn lộn, sử dụng phụ gia thực phẩm cấm, tay bẩn không được rửa sạch vừa tiếp xúc với tiền, vừa cầm nắm thức ăn… còn diễn ra phổ biến ở các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm ba điều kiện. Thứ nhất là tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nguồn nước sạch đểchếbiến thức ăn, nước đá sạch.
Thứ hai, chủ cơ sở và người trực tiếp cung cấp dịch vụ ăn uống có đủ giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; kết quả khám sức khỏe và phiếu xét nghiệm cấy phân theo quy định. Thứ ba, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương theo đúng quy định.
Để người kinh doanh thức ăn đường phố hội đủ các điều kiện này, chúng ta phải vận động, tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đồng thời qua đó để người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc sử dụng các loại thức ăn bảo đảm vệ sinh, kiên quyết tẩy chay đối với những loại thức ăn không bảo đảm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở, những người buôn bán, kinh doanh các loại thức ăn không đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc sử dụng thức ăn đường phố là thói quen của nhiều người Việt Nam và loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Để các loại thức ăn này đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và không ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố, đô thị thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, trong đó ngành Y tế là lực lượng nòng cốt để tham mưu, tổ chức triển khai, kiểm tra các hoạt động này một cách thường xuyên, kịp thời.
ĐỖ THỊ MINH NGUYỆT
(Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa)