Mùa xuân trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi. Song song với những điểm tốt thì mùa xuân cũng là mùa mà nhiều loại vi sinh vật, trong đó có những vi sinh vật gây bệnh, phát triển mạnh làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và phát triển dịch ở người.
Các bệnh, dịch thường xảy ra trong mùa xuân là các bệnh về hô hấp như cúm, viêm phổi, hen phế quản... Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin các dịch cúm ở gia cầm như H5N1, H7N9 đang bùng phát, đe dọa đến sức khỏe của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng, nhiều quốc gia.
Dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra ở Trung Quốc làm hàng ngàn người mắc; tỉ lệ tử vong do cúm A/H7N9 ở người lên đến trên 40%. Ở Trung Quốc, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có ca bệnh. Hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây giáp với Việt Nam có rất nhiều ca bệnh và đã có hơn 80 trường hợp tử vong. Với đặc điểm đó, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.
Vi rút cúm A H7 là nhóm vi rút cúm thường lưu hành ở các loài chim. Vi rút cúm A/H7N9 là một phân nhóm trong nhóm virus cúm A H7. Mặc dù một vài phân nhóm của vi rút H7 (H7N2, H7N3 và H7N7) thỉnh thoảng được tìm thấy gây nhiễm trên người, tuy nhiên chưa có trường hợp nào được ghi nhận nhiễm vi rút cúm A/H7N9 ở người cho tới khi các trường hợp đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc và được công bố vào ngày 31/3/2013.
Bệnh nhân bị cúm A/H7N9 có bệnh cảnh của viêm phổi nặng. Các triệu chứng chính bao gồm: sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa biết hết về bệnh cảnh của bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9.
Bệnh cúm A/H7N9 có lây từ người sang người không? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời, bởi chúng ta không biết rõ nguồn phơi nhiễm đối với những trường hợp nhiễm bệnh trên người đầu tiên được phát hiện. Tuy nhiên, khi phân tích gen của vi rút đã gợi ý rằng, mặc dù chúng có liên quan đến các loài chim nhưng chúng cũng cho thấy dấu hiệu thích nghi phát triển ở các loài động vật có vú. Sự thích nghi này bao gồm khả năng gắn vào tế bào của động vật có vú và phát triển ở nhiệt độ gần với nhiệt độ bình thường của các loài động vật có vú. Như vậy nguy cơ lây từ người qua người là không loại trừ.
Vi rút cúm A/H7N9, H5N1 và H1N1 đều là vi rút cúm A nhưng giữa chúng có những sự khác biệt. H7N9 và H5N1 được biết đến có liên quan đến vi rút cúm ở động vật và thỉnh thoảng gây nhiễm cho người. Còn H1N1 vừa có thể gây nhiễm cho người vừa có thể gây nhiễm cho động vật.
Cúm A/H7N9 gây bệnh cho người qua đường nào?
Cho đến nay, chúng ta nhận thấy vài trường hợp được khẳng định có tiếp xúc với động vật, tuy nhiên chưa biết những trường hợp này bị lây nhiễm như thế nào. Khả năng lây truyền từ động vật sang người và khả năng lây truyền từ người sang người đang được tiến hành điều tra nghiên cứu.
Cách phòng ngừa cúm A/H7N9
Mặc dù cả nguồn lây nhiễm và cách lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người là chưa chắc chắn, nhưng cần chú ý triển khai các bước vệ sinh cơ bản để ngăn chặn sự lây nhiễm, bao gồm 4 biện pháp chính:
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống.
- Hạn chế sự tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh.
- Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp thì đến ngay cơ sở y tế nhà nước để được khám và điều trị kịp thời.
Cần lưu ý không ăn thịt gia cầm, sản phẩm của gia cầm bị bệnh hay không có nguồn gốc rõ ràng. Phải tuyệt đối ăn chín, uống chín, vệ sinh cá nhân sạch sẽ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Đặc biệt cần lưu ý là đối với gia cầm bị cúm A/H5N1 thì triệu chứng bệnh lý ở gia cầm khá rõ ràng, còn gia cầm bị cúm A/H7N9 thì hầu như không có triệu chứng gì. Đây chính là điều hết sức nguy hiểm vì chúng ta không biết được đâu là gia cầm đã bị bệnh. Hơn nữa, hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa nhiễm cúm A/H7N9.
Mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đồng dân cư cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh hết sức nguy hiểm này. Nếu triển khai các biện pháp phòng bệnh đúng với khuyến cáo của cơ quan chức năng, chắc chắn chúng ta sẽ chặn đứng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên