Sau hàng thập kỷ, căn bệnh gây tử vong cao nhất trên thế giới vẫn là bệnh mạch vành. Theo các chuyên gia tim mạch, những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành là thừa cân, cholesterol cao, hút thuốc lá, ít vận động thể chất, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Và khi động mạch vành có tổn thương hẹp, tắc, cách điều trị hay nhất là làm sao cho máu tưới trở lại.
PGS-TS Hồ Thượng Dũng - Ảnh: YÊN LAN |
Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề trên. Phó giáo sư cho biết:
- Động mạch là ống mạch máu đưa máu đi nuôi các cơ quan phủ tạng. Khi xơ vữa động mạch xảy ra, hậu quả thông thường là gây hẹp lòng ống, đến một lúc nào đó máu sẽ qua không đủ, phía sau không có máu tưới. Nếu nặng hơn, mảng xơ vữa vỡ ra sẽ tạo thành huyết khối, làm tắc đột ngột mạch máu đó; vùng cơ quan phủ tạng phía sau không có máu tưới và thường sẽ bị hoại tử… Bất kỳ cơ quan nào có động mạch nuôi đều có thể bị hẹp, tắc.
Trước đây, với những bệnh lý nhồi máu não, nhồi máu cơ tim…, người ta chỉ dùng thuốc để điều trị, phần lớn là dùng thuốc để giữ ổn định chứ không giúp được vùng bị thiếu máu tiếp tục sống, như vậy có thể có những biến chứng. Ví dụ: Bệnh nhân nhồi máu não sẽ bị tổn thương một vùng não nào đó, sẽ bị di chứng như liệt tay, liệt chân, thậm chí phải nằm một chỗ; bệnh nhân nhồi máu cơ tim thì vùng cơ tim phía sau sẽ bị chết, và trong giai đoạn cấp có thể nặng, choáng tim, tử vong; giai đoạn lâu dài sẽ bị suy tim. Do đó, nguyên tắc điều trị bệnh lý xơ vữa động mạch hiện nay là điều trị tái tưới máu. Ví như ta có một cánh đồng lúa đang được nước từ mương dẫn thủy tưới cho tươi tốt, đột ngột ai đó khóa lại, không cho nước vào. Như vậy, lúa sẽ héo dần và chết. Ta đi bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân… đều không cứu được lúa, mà chỉ có cách duy nhất là mở nước, để nước tưới trở lại vào cánh đồng. Cách điều trị xơ vữa động mạch hay nhất khi có một tổn thương hẹp, tắc là làm sao cho máu tưới trở lại.
Tái tưới máu mạch vành sẽ có hai tình huống. Một là tình huống mãn tính, bệnh nhân đau ngực do thiếu máu cơ tim nhưng không thuộc trường hợp cấp cứu, gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Tình huống đó vẫn có chỉ định chụp chẩn đoán, nếu có tổn thương hẹp thì người ta sẽ mở nó ra bằng cách đặt stent động mạch vành. Còn tình huống thứ hai, rất nghiêm trọng, là nhồi máu cơ tim cấp, tức là một mảng xơ vữa vỡ ra tạo huyết khối và gây tắc cấp. Như vậy bắt buộc phải làm cấp để mở ra. Đối với tái tưới máu cấp cứu, đặc biệt trong bệnh cảnh nhồi máu, là phải làm cấp.
Lợi ích của phòng thông tim, thứ nhất là điều trị tái tưới máu trong những trường hợp mạn và cấp, đặc biệt là trong bệnh cảnh cấp tính. Nhồi máu cơ tim cấp thì không thể chuyển bệnh nhân từ Phú Yên vô TP Hồ Chí Minh để tái tưới máu. Thứ nhất là trên đường chuyển viện, bệnh nhân có thể tử vong, thứ hai là bị trễ. Nếu bị trễ thì khi mở, máu vẫn tưới trở lại, nhưng cơ tim đã chết.
* Trong những trường hợp nào thì được chỉ định can thiệp, thưa Phó giáo sư?
- Có 2 chỉ định DSA, thứ nhất là chẩn đoán, thứ hai là điều trị. Đầu tiên, chụp chẩn đoán, xác định có tổn thương mạch vành hay không, tổn thương đó có gây ra vấn đề gì không, có cần phải điều trị tái tưới máu hay không, nếu có thì người ta sẽ xem xét điều trị tái tưới máu như thế nào. Điều trị tái tưới máu có nhiều phương pháp. Một là mổ hở, bắc cầu mạch vành, hai là đặt stent mạch vành; trong bệnh cảnh cấp cứu thì người ta có thể dùng thuốc…
Khi mạch vành bị hẹp, tắc, người ta nong nó rộng ra, đưa stent vào và stent bung ra, mở được mạch vành, giúp máu tưới trở lại.
Động mạch vạnh trước khi được can thiệp - Động mạch vạnh sau khi được can thiệp - Ảnh: YÊN LAN |
* Đặt stent động mạch vành mang lại những lợi ích to lớn nhưng có thể có biến chứng. Đâu là biến chứng thường gặp?
- Bất kỳ một thủ thuật, phẫu thuật nào đều có một xác suất nhỏ biến chứng. Ví dụ khi bị viêm ruột thừa, phải mổ, nếu không thì nó nặng lên, nhiễm trùng, hoại tử. Mổ là chuyện đương nhiên, nhưng khi mổ có thể có những biến chứng như nhiễm trùng hoặc là chảy máu, không cầm được… Trong thủ thuật mạch vành cũng vậy. Đó là một thủ thuật xâm lấn, nếu làm không tốt thì có thể gây chảy máu hoặc máu tụ tại chỗ, phần lớn người ta giải quyết bằng nội khoa được. Một số tình huống phải giải quyết bằng phẫu thuật.
Thứ hai là khi luồn ống thông vào trong tim thì có thể gây ra những sang chấn. Điều quan trọng đầu tiên là có chỉ định đúng thì mới làm.
* Trong trường hợp tắc stent lại thì sẽ xử lý như thế nào?
- Khi đặt stent, mạch máu được mở ra nhưng cũng gây một tác động tổn thương cơ học tại chỗ, và có thể xuất hiện lại xơ vữa, gây ra hiện tượng tái hẹp trong stent. Thường thì người ta sẽ đặt stent lại.
Còn một biến chứng khác là xuất hiện huyết khối trong stent. Bởi vì stent là vật lạ được đưa vào, cơ thể sẽ chống lại, đặc biệt là dòng máu sẽ tạo thành máu đông ở đó. Do đó bệnh nhân sau khi đặt stent phải uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép. Sau một thời gian, các tế bào biểu mô sẽ bao phủ trên bề mặt stent. Khi nó đã phủ hết thì stent trở thành vật của mình, lúc đó sẽ ổn.
* Xin cảm ơn Phó giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)