Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 47/2016/TT-BYT quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo điều kiện thực tế tổ chức một trong các hình thức khám chữa bệnh đột quỵ sau: Đội đột quỵ; Đơn vị đột quỵ; Khoa đột quỵ; Trung tâm đột quỵ.
Theo đó, đội đột quỵ là đội phản ứng nhanh về đột quỵ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập, có chức năng tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ vận chuyển người bệnh đột quỵ.
Đơn vị đột quỵ là bộ phận thuộc khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đội đột quỵ và cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ cho người bệnh.
Khoa đột quỵ là khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đơn vị đột quỵ và điều trị nội khoa toàn diện cho người bệnh đột quỵ.
Trung tâm đột quỵ là đơn vị lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện chức năng như của khoa đột quỵ và điều trị ngoại khoa cho người bệnh đột quỵ. Đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ và trung tâm đột quỵ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần.
Người bệnh đột quỵ được coi là trường hợp cấp cứu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để xử trí cấp cứu kịp thời, chẩn đoán nhanh, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho người bệnh đột quỵ.
Về lộ trình thực hiện, Thông tư nêu rõ: Đối với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020 thành lập khoa đột quỵ, đến năm 2025 thành lập trung tâm đột quỵ. Các bệnh viện đa khoa hạng 1 phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đơn vị đột quỵ, đến năm 2025 thành lập khoa đột quỵ.
Các bệnh viện đa khoa còn lại phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đội đột quỵ, đến năm 2025 thành lập đơn vị đột quỵ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3.
Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam cho thấy, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong, khoảng 30% có thể bị liệt. Càng tái phát nhiều, tỉ lệ tử vong càng lớn.
Đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau tim mạch và ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, trong đó số lượng nam giới cao gấp nhiều lần nữ.
Tai biến mạch máu não (đột quỵ não) có thể nhận biết qua những dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu sơ cứu đúng cách, người bệnh có thể giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.
Đột quỵ là căn bệnh khiến người bệnh tử vong rất nhanh, nếu không cũng sẽ để lại những di chứng hết sức nặng nề, thường gặp ở người huyết áp cao, tiểu đường. Theo các bác sĩ, thời gian vàng đưa các bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế chuyên sâu là 4,5-6 giờ đầu. Khi đó các bác sĩ tại bệnh viện lớn sẽ dùng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị, tránh di chứng. Do đó việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong. Trong đó đặc biệt lưu ý 3 dấu hiệu.
Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Theo TTXVN, Vietnam+