“Được” xếp vào nhóm bệnh bị lãng quên, các bệnh do ký sinh trùng có thể dẫn đến những tổn thương kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trưởng bộ môn Vi sinh - Ký sinh trùng lâm sàng Trường đại học Y Hà Nội, về thực trạng trên.
* Nhiều người vẫn còn lơ là với các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Những bệnh này nguy hiểm như thế nào, thưa PGS?
PGS-TS Nguyễn Vũ Trung - Ảnh: YÊN LAN |
- Ký sinh trùng tồn tại ở mọi nơi: trong đất, trong nước, trong không khí, đặc biệt là trong đất và trong nước. Và chúng ta biết rằng nhiều khi, những biểu hiện lâm sàng, hay còn gọi là triệu chứng các bệnh nhiễm trùng nói chung, bệnh do ký sinh trùng nói riêng, không đặc hiệu. Nhiều khi một cơn sốt có thể do vi rút, vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng gây ra. Riêng các bệnh do ký sinh trùng, trong nhiều năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp vào những bệnh bị lãng quên, vì ngay cả những người làm trong ngành Y tế cũng chưa được trang bị kiến thức một cách đầy đủ. Cơ sở y tế có thể cũng chưa được trang bị phương tiện để làm các xét nghiệm, tìm ra các bệnh do ký sinh trùng. Thế cho nên việc đầu tiên mà chúng ta phải làm là tuyên truyền thật tốt về sự ảnh hưởng của các bệnh do ký sinh trùng, thứ hai là tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế, thứ ba là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Chúng ta biết rằng bệnh do ký sinh trùng cũng là một trong các bệnh nhiễm trùng, trong đó người ta có thể chia ra làm hai dạng, thứ nhất là bệnh cấp tính. Có những trường hợp bệnh cấp tính dẫn đến tổn thương rất nặng nề, ví dụ như khi ký sinh trùng vào phổi, vào tim, lên não, gây ra các tổn thương có thể làm bệnh nhân bị liệt, gây ra các tai biến, thậm chí có thể tử vong. Và trong nhiều trường hợp, bệnh do ký sinh trùng có thể chuyển sang mãn tính, dẫn đến thiếu máu hoặc các tổn thương kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm, gây ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần và sức lao động… Thế cho nên việc tuyên truyền để người dân nhận thức được điều đó là hết sức quan trọng.
* Theo PGS, thói quen ăn uống, sinh hoạt liên quan như thế nào đến các bệnh do ký sinh trùng gây ra?
- Chúng ta biết ký sinh trùng tồn tại khắp nơi trong tự nhiên. Trong sinh hoạt, trong công việc hàng ngày, con người đều có tiếp xúc với môi trường, như môi trường đất, môi trường nước… Và trong các thói quen, thói quen ăn uống là hết sức lưu ý. Không ít người có thói quen ăn thức ăn không nấu, như gỏi hay tiết canh; hoặc ăn thức ăn nấu chưa chín, như cua, cá mà chỉ được nướng sơ qua. Trong nhiều chu kỳ của ký sinh trùng có giai đoạn ấu trùng của chúng tồn tại trong cua, cá. Nếu thức ăn không được nấu chín kỹ, xử lý tốt thì khi ăn vào, cơ thể chúng ta sẽ bị nhiễm ấu trùng ấy. Các ấu trùng tồn tại trong cơ thể, gây ra những biểu hiện lâm sàng rất nặng nề. Trường hợp thứ hai là ấu trùng phát triển thành ký sinh trùng, thì nó gây bệnh.
Trong sinh hoạt, làm việc, chúng ta có thể tiếp xúc với môi trường đất, nước… mà không có các phương tiện bảo hộ, ví dụ như làm ruộng, ra các vùng bãi sình lầy mà không đi ủng, đi găng tay thì nhiều loại ký sinh trùng tồn tại trong môi trường đó có thể xâm nhập qua da, qua các vết xước, vào máu và gây bệnh.
Đôi khi ký sinh trùng từ chó, mèo cũng có thể gây bệnh cho người.
Với hệ thống máy ELISA hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có thể làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh do ký sinh trùng - Ảnh: YÊN LAN |
* Ở những vùng như Phú Yên, bệnh do ký sinh trùng nào là phổ biến, thưa PGS?
- Theo chúng tôi được biết, ở Phú Yên, thứ nhất là có thể bị sốt rét. Đấy là một bệnh do ký sinh trùng. Thứ hai là nhiễm sán lá gan, sán lá phổi. Một số trường hợp có thể gặp ở Phú Yên và cả các tỉnh khác, khi ăn những thực phẩm không được nấu chín kỹ có thể bị giun xoắn, bị bệnh do ấu trùng sán lợn.
Phú Yên có đặc thù làm nông lâm ngư nghiệp, người dân có thể mắc bệnh do ký sinh trùng qua đất, qua nước, nhất là những khu vực sình lầy, ao tù nước đọng… Ngoài ra, thói quen ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ là một trong những nguy cơ nhiễm sán.
* Theo PGS, làm thế nào để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh do ký sinh trùng?
- Việc phát hiện kịp thời, điều trị có hiệu quả các bệnh do ký sinh trùng phụ thuộc vào 2 vấn đề quan trọng, thứ nhất là người dân hiểu biết về các bệnh do ký sinh trùng và những nguy cơ mắc phải. Và khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, đau… thì phải đến cơ sở y tế ngay.
Cán bộ y tế phải được đào tạo, tập huấn để phát hiện các bệnh do ký sinh trùng, những triệu chứng lâm sàng… Tôi được biết Khoa Hóa sinh - Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã được trang bị máy móc hiện đại, làm được các xét nghiệm miễn dịch, đặc biệt là những xét nghiệm siêu phân tử. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuyển giao các kỹ thuật về lâm sàng cũng như kỹ thuật xét nghiệm, đặc biệt là các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng bằng máy móc hiện đại. Người dân, khi có các triệu chứng nghi ngờ, nên đến khám sớm, để được chẩn đoán, điều trị có hiệu quả.
* Xin cảm ơn PGS!
YÊN LAN (thực hiện)