Trong vài thập niên trở lại đây, nhờ có sự tác động mạnh mẽ của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi nên tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) có cải thiện. Tuy nhiên theo đánh giá và so sánh với các nước trong khu vực, tỉ lệ SDDTE ở Việt Nam còn khá cao và chiều cao của người Việt Nam thấp so với các nước.
Theo số liệu thống kê năm 2015, tỉ lệ SDDTE của cả nước là 14,1% cân nặng/tuổi, 24,6% chiều cao/tuổi; ở Phú Yên là 15,4% cân nặng/tuổi, 28,3% chiều cao/tuổi.
Qua thực tế cho thấy, hầu hết các bậc cha mẹ thường chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ, ít khi chú ý đến chiều cao. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD thể thấp còi ở trẻ em.
SDD thấp còi là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. Trẻ em gái bị SDD thấp còi lớn lên trở thành người phụ nữ thấp còi và khi sinh con thì nguy cơ SDD thấp còi cho con cao hơn.
Có 3 giai đoạn để trẻ phát triển về chiều cao đó là:
- Giai đoạn bào thai: nếu trẻ bị SDD bào thai hoặc sinh non tháng nhẹ cân thấp chiều cao thì nguy cơ SDD thấp còi rất cao.
- Giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi: chiều cao lúc trẻ 2 tuổi bằng 1/2 chiều cao lúc trẻ trưởng thành, vì vậy nuôi trẻ dưới 2 tuổi là vô cùng quan trọng.
- Giai đoạn tuổi tiền dậy thì: 10-13 tuổi ở trẻ gái, 13-17 tuổi ở trẻ trai. Vì vậy, nếu trẻ gái sau khi hành kinh, trẻ trai sau 17 tuổi sẽ rất khó có thể cao được nữa.
Việc phòng chống SDDTE nói chung, SDDTE thể thấp còi nói riêng cần hết sức chú ý trong các giai đoạn này. Chiều cao của trẻ do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có 3 yếu tố chính: di truyền, chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao.
Như vậy, có 2 yếu tố có thể tác động và can thiệp được đó là chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao.
Về dinh dưỡng: Cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm, canxi, sắt, kẽm. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú đến 2 tuổi. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi. Khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá. Hơn nữa canxi trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác. Ăn nhiều rau xanh, quả chín cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…
Chế độ ăn cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như: vitamin D, vitamin A, canxi, kẽm, sắt… theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải.
Chế độ luyện tập thể dục thể thao: các môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao: bơi lội, đạp xe, chạy, chơi cầu lông… Khi trẻ đã lớn, chọn các môn thể thao phù hợp với tuổi của trẻ.
Như vậy, để trẻ lớn lên khỏe mạnh thông minh, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có từng giai đoạn để trẻ phát triển, nếu bỏ qua sẽ không thể lấy lại được.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên