Thứ Ba, 15/10/2024 06:23 SA
Choáng nhiễm trùng: Có thể mất mạng nếu không điều trị sớm
Thứ Hai, 31/10/2016 11:00 SA

Bằng phương pháp lọc máu liên tục, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do choáng nhiễm trùng, sau khi bị… gai tre đâm vào đầu gối. Theo BS CKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc bệnh viện, choáng nhiễm trùng là những ca cam go, nguy cơ tử vong cao.

 

Lọc máu liên tục cho bệnh nhân T.B tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) - Ảnh do bệnh viện cung cấp

 

Lọc máu liên tục, cứu sống bệnh nhân

 

Ông T.B (73 tuổi, ở xã An Dân, huyện Tuy An) bị gai tre đâm vào đầu gối phải. Vết thương sưng tấy, mưng mủ; ông bị sốt cao, huyết áp tụt, khó thở, chân tay lạnh. Gia đình vội đưa người bệnh vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An.

 

Lúc 13 giờ 15 ngày 6/10, ông T.B được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng mạch nhẹ khó bắt, huyết áp thì không đo được. “Chẩn đoán bệnh nhân bị choáng nhiễm trùng, chúng tôi bù dịch, sử dụng kết hợp 3 loại kháng sinh và dùng thuốc vận mạch. Đến 23 giờ cùng ngày, tình trạng của bệnh nhân có cải thiện nhưng không rõ ràng. Kết quả xét nghiệm cho thấy rối loạn chức năng thận, gan, tổn thương phổi. Sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định lọc máu liên tục”, Thầy thuốc Ưu tú - BS CKII Lê Phải, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), cho biết.

 

Lọc máu liên tục là một phương pháp điều trị thay thế thận, được tiến hành liên tục 24 giờ trong ngày. Trong quá trình lọc máu liên tục, các chất cần đào thải, lượng nước thừa của cơ thể được đào thải từ từ và liên tục. Theo các chuyên gia y tế, so với lọc máu ngắt quãng thì phương pháp điều trị này có nhiều ưu điểm hơn, ít ảnh hưởng đến huyết động nên rất cần thiết đối với các bệnh nhân có huyết động không ổn định, đồng thời có thể kiểm soát mức giảm urê, creatinin tốt hơn.

 

Trường hợp bệnh nhân T.B, các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã chỉ định lọc máu kịp thời, ngăn chặn những diễn biến xấu của bệnh. “Nếu không lọc máu liên tục, khả năng tử vong rất cao”, bác sĩ Lê Phải nói.

 

Sau khi được lọc máu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T.B cải thiện rõ. Các bác sĩ giảm liều thuốc vận mạch, giảm lượng dịch truyền và đến 17 giờ ngày 8/10 thì quyết định ngừng lọc máu, tiếp tục điều trị nội khoa. Thận, gan, phổi dần hồi phục sau tổn thương, bệnh nhân đi lại bình thường và đã ra viện.

 

Choáng nhiễm trùng - hội chứng gây tử vong cao

 

Đến thời điểm này, ông T.B là bệnh nhân choáng nhiễm trùng đầu tiên được Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cứu chữa thành công, với sự hỗ trợ của máy lọc máu liên tục. Đây là phương tiện điều trị có thể cứu được những bệnh nhân bị choáng do nhiễm trùng, bị đa chấn thương dẫn đến suy đa tạng, mà các phương pháp điều trị khác không mang lại kết quả. Quá trình lọc máu liên tục giúp cải thiện lâm sàng, hỗ trợ phục hồi nhanh những chức năng bị tổn thương.

 

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được trang bị máy lọc máu liên tục cách đây 2 năm; việc chuyển giao kỹ thuật cũng đã được Bệnh viện Nhân Dân 115 tiến hành. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cử các bác sĩ, điều dưỡng vào Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 115 để được đào tạo, bồi dưỡng về lọc máu liên tục. Bác sĩ Lê Phải chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến đưa lọc máu liên tục trở thành một phương tiện điều trị thường quy, chứ không chỉ là phương tiện điều trị cấp cứu. Muốn vậy thì phải có một bác sĩ, một điều dưỡng túc trực, trong khi Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang thiếu bác sĩ trầm trọng”. Hiện khoa này chỉ có 5 bác sĩ.

 

Cần nói thêm rằng, không phải trường hợp nào lọc máu liên tục cũng thành công, khi bệnh đã quá nặng. Mới đây, bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở TP Tuy Hòa) bị choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa dẫn đến suy thận cấp, tổn thương chức năng gan, phổi… và đã không qua khỏi. Vì vậy, giới chuyên môn rất “sợ” choáng nhiễm trùng, trong khi nhiều người dân thì chủ quan. “Không chỉ những vết thương mà tất cả các nhiễm trùng đều có khả năng gây choáng nhiễm trùng. Đã choáng nhiễm trùng thì rất khó điều trị, thành công rất thấp, tỉ lệ tử vong cao”, bác sĩ Lê Phải cho biết. Ông khuyến cáo: Khi có các triệu chứng bất thường thì phải nhanh chóng đi khám để được phát hiện, điều trị sớm, tránh biến chứng suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng.

 

Các biểu hiện lâm sàng của choáng nhiễm trùng:

 

Giai đoạn sớm (sốc ấm): Da ấm, lơ mơ, tiếp xúc chậm; thở nhanh, nông; sốt cao, lạnh run; huyết áp còn bình thường; áp lực tĩnh mạch trung tâm giảm ít…

 

Giai đoạn sau (sốc lạnh): Chân tay lạnh, vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt; tiểu ít; suy tim trái, phù phổi cấp, đông máu rải rác nội mạch…

 

Cách dự phòng choáng nhiễm trùng là điều trị sớm các ổ nhiễm trùng.

 

(Theo dieutri.vn)

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek