Dị tật hệ thần kinh trung ương là dị tật bẩm sinh hay gặp nhất, còn dị tật tim thai là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ và là bất thường bẩm sinh dễ bỏ sót nhất trên siêu âm tiền sản. Làm thế nào để tầm soát kịp thời những dị tật này ở thai nhi? Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn ThS, bác sĩ Hà Tố Nguyên, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) về mối quan tâm trên.
* Bác sĩ có thể cho biết sự cần thiết của việc siêu âm khảo sát hệ thần kinh trung ương theo khuyến cáo của Hiệp hội Siêu âm sản phụ khoa thế giới?
ThS, bác sĩ Hà Tố Nguyên trong chương trình tập huấn chuyên đề “Siêu âm sản khoa” được tổ chức tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
- Trong nhóm dị tật thai, dị tật hệ thần kinh trung ương là nhóm bất thường hay gặp nhất. Bằng phương tiện siêu âm, chúng ta có thể chẩn đoán khá tốt dị tật hệ thần kinh trung ương. Siêu âm hình thái học thai nhi ở giai đoạn 20-22 tuần có thể phát hiện được khá nhiều bất thường ở hệ thần kinh trung ương. Đối với những bất thường nặng, bác sĩ có thể xử trí, chấm dứt thai kỳ sớm thì tốt hơn cho thai phụ. Những bất thường nặng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, vận động của trẻ sau này, nếu phát hiện trễ quá, không xử trí được thì thai phụ sẽ sinh ra những đứa trẻ trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Cũng như những dị tật khác, dị tật hệ thần kinh trung ương là vấn đề quan trọng.
* Vậy còn các dị tật tim thai thì sao?
- Dị tật tim cũng khá thường gặp nhưng là dị tật khó chẩn đoán nhất trong nhóm bất thường của thai. Những người làm siêu âm sản “sợ” nhất là siêu âm dị tật tim thai, vì nó dễ bị bỏ sót.
Hiện nay, những máy siêu âm tốt giúp bác sĩ siêu âm sản khảo sát hình thái học thai nhi chứ không chỉ riêng tim thai. Máy móc rất quan trọng. Máy móc tốt, hiện đại sẽ giúp bác sĩ nhìn kỹ, nhìn rõ những cấu trúc và chẩn đoán dị tật thai nhi tốt hơn, sớm hơn. Nhưng nói chung, không phải tất cả dị tật thai đều được phát hiện trước sanh. Tỉ lệ phát hiện dị tật thai chỉ trên dưới 80%. Cho nên nhiều khi, thai phụ đi khám thai xong rồi, quá trình khám diễn tiến bình thường, kết quả siêu âm tốt thì họ tin tưởng rằng sẽ “mẹ tròn con vuông”; đến khi ra đời, em bé có những bất thường thì người mẹ rất sốc. Nhiều sản phụ không hiểu rằng trước sanh, dị tật thai nhi không thể được phát hiện 100%, đặc biệt tỉ lệ phát hiện dị tật tim còn thấp hơn nữa, chỉ khoảng 70-80%. Và những nơi không phải chuyên khoa về tim thai, không có máy móc hiện đại thì tần suất phát hiện dị tật tim thai có thể chưa tới 50%. Vấn đề chẩn đoán dị tật thai có những khó khăn như vậy.
Siêu âm khám thai sàng lọc trước sinh tại Trạm Y tế xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
* Vậy làm thế nào để nâng tần suất phát hiện dị tật thai, thưa bác sĩ?
- Để tăng tần suất phát hiện bệnh, ngoài việc bác sĩ siêu âm phải được tập huấn, có kỹ năng tốt để khảo sát hình thái học thai nhi thì cần phải có máy móc tốt. Tuyến tỉnh thường gặp khó khăn trong vấn đề máy móc, đó là thực tế, như vậy cũng rất khổ cho bác sĩ siêu âm. Máy móc không tốt thì rất khó chẩn đoán các dị tật đó. Cho nên nếu bệnh viện được trang bị máy móc tốt và có những đợt tập huấn cho bác sĩ thì sẽ giúp cho việc tầm soát dị tật tim nói riêng, dị tật thai nói chung được tốt hơn.
* Nhiều bà mẹ mang thai băn khoăn là siêu âm nhiều lần liệu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Theo bác sĩ, nên siêu âm bao nhiêu lần trong suốt thai kỳ?
- Siêu âm ở ta hơi bị lạm dụng, thật sự là như thế. Mỗi tháng, mỗi lần khám thai đều siêu âm thì cũng không cần thiết. Đối với một thai nhi phát triển bình thường, có 3 giai đoạn quan trọng là 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Thời điểm 12 tuần, siêu âm để tầm soát sớm những bất thường, đo độ mờ da gáy để tầm soát hội chứng down; lúc 22 tuần siêu âm để khảo sát hình thái học thai nhi, coi em bé có bị dị tật ở đâu hay không; đến thời điểm 32 tuần thì khảo sát, phát hiện những thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc một số bất thường xuất hiện muộn. Có thể siêu âm thêm một lần lúc 36 tuần. Nếu mọi thứ diễn tiến bình thường, em bé tăng trưởng tốt, bà mẹ mang thai khỏe mạnh thì không nhất thiết phải siêu âm nhiều lần.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)