Hỏi: Tôi bị cao huyết áp đã 5 năm, mới đây phát hiện thêm tiểu đường, cao mỡ máu, bác sĩ cho nhiều thuốc và khuyên nên duy trì một chế độ vận động thích hợp. Lâu nay, tôi cũng thường xuyên thể dục mỗi ngày, nhưng không biết nên luyện tập như thế nào cho tốt.
Nguyễn Khải
(xã An Phú, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay đã chứng tỏ vai trò của hoạt động thể lực đối với sức khỏe: Hoạt động thể lực đều đặn giúp giảm nguy cơ đối với các bệnh tim mạch (tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, bệnh mạch ngoại vi do xơ vữa), đột quỵ, đái đường, cao huyết áp, ung thư đại tràng, ung thư vú và trầm cảm. Ngoài ra, hoạt động thể lực có vai trò then chốt trong tiêu hao năng lượng và kiểm soát cân nặng.
Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện các hoạt động thể lực sao cho hiệu quả, dựa trên tổng hợp từ nhiều nghiên cứu trên thế giới, bao gồm: loại hoạt động, thời gian, tần suất, cường độ cho từng nhóm tuổi. Tóm tắt như sau:
Phân loại hoạt động thể lực: (1) thể dục có gắng sức như: đi nhanh, chạy, đạp xe đạp, bơi lội, lắc vòng, thể dục nhịp điệu; (2) các bài tập thể hình (nhằm tăng sức mạnh và khối lượng của một nhóm cơ nào đó); (3) các bài tập thể lực (tập sức bền, sự dẻo dai); (4) các bài tập giữ thăng bằng.
Lời khuyên cho nhóm tuổi 18-64 tuổi:
1. Hoạt động thể dục (1) gắng sức mức trung bình (gấp 3-4 lần so với bình thường) đạt ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc hoạt động mạnh đạt (gấp 5-7 lần so với bình thường) ít nhất 75 phút mỗi tuần hoặc kết hợp các mức độ hoạt động.
2. Hoạt động thể dục gắng sức (1) phải đạt ít nhất 10 phút cho mỗi lần tập.
3. Muốn tăng cường sức khỏe hơn, thời lượng tập có thể tăng thêm, 300 phút tập trung bình hoặc 150 phút tập mạnh mỗi tuần hoặc phối hợp các mức độ, tập nhiều hơn nữa cũng không tốt hơn.
4. Nên thực hiện các bài tập thể hình (2) ít nhất 2 ngày mỗi tuần.
Các khuyến cáo này áp dụng cho người bình thường và cả những người đang có các bệnh mạn tính như huyết áp, đái đường, tim mạch. Các hoạt động thể lực ởngười lớn tuổi có thể bao gồm nhiều hoạt động trong thời gian rỗi như làm việc nhà, lao động chân tay, đi bộ, đạp xe, tập thể dục, chơi thể thao… Mục tiêu 150 phút hoạt động thể lực mỗi tuần có thể đạt được bằng nhiều cách, ví dụ tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 30 phút tập trung bình; hoặc tập 2-3 lần mỗi ngày với mỗi lần tập ít nhất 10 phút, xen kẽ với vài lần tập liên tục 30 phút mỗi tuần.
Những người không hoạt động hoặc vì bệnh lýmà không hoạt động cũng sẽ đạt được những lợi ích sức khỏe nếu dần chuyển sang trạng thái hoạt động ởmức độ nào đó và tốt nhất là đạt mức khuyến cáo như trên. Đối với người đã từng có hoạt động thể lực ởmức độ cao, nên xem xét giảm dần mức hoạt động hiện tại cho phùhợp. Khuyến cáo trên cũng áp dụng cho người trên 65 tuổi, nhưng lưu ýthêm những bài tập giữ thăng bằng, cường độ tập phùhợp với thể trạng.
BS ĐOÀN VĂN HẢI