Hỏi: Dầu gió, dầu miên có thành phần gì mà thấy bà ngoại em rất quý. Ai đau bụng, đau đầu, chóng mặt, ngất… cũng được bà đem ra dùng như bảo bối. Em muốn biết nên dùng các loại dầu này như thế nào là tốt nhất?
Phan Thị Kim Thoa
(xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa)
Trả lời: Dầu gió có nhiều loại, dạng nước hoặc dạng cao với nhiều tên gọi khác nhau, phổ biến nhất là dầu miên (dầu gió xanh Con Ó sản xuất từ Singapore), dầu gió xanh, dầu cù là… Dầu gió nói chung là dạng thuốc để dùng ngoài, có tác dụng giảm đau, giảm viêm tấy, nhờ tính chất nồng, nóng, thấm sâu và gây tê tại chỗ. Thành phần chính của các loại dầu gió luôn có 2 chất metyl salicylat (dầu nóng) và menthol (chiết từ tinh dầu bạc hà). Hai chất này giúp các loại dầu cao nổi trội về tính cay, nóng. Ngoài ra, tùy loại chế phẩm còn có thể có các loại tinh dầu như khuynh diệp, hồi, quế, tràm, long não, hương nhu...
Menthol bốc hơi rất nhanh, gây tê tại chỗ và cảm giác mát lạnh (do kích thích bài tiết mồ hôi, làm hạ thân nhiệt) khi xoa vào da. Vì vậy, nó được dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh, trị ngứa, trị bệnh ngoài da. Tuy nhiên, nó có thể gây kích ứng cho trẻ nhỏ.
Metyl salicylat là một chất lỏng có mùi mạnh và bền, tan trong dung môi dầu, chất béo, vaselin... Nó dễ thấm qua da, giúp giảm đau tại chỗ, chống tê thấp, đau cơ bắp... Nhưng nếu dùng nhiều, Metyl salicylat sẽ làm rộp da, khi gặp nước càng nóng ran mạnh (có thể gây rối loạn thân nhiệt khi xoa ở diện rộng, toàn thân). Các thành phần tinh dầu khác có tác dụng kích thích nhẹ thần kinh trung ương, khử trùng nhẹ đường hô hấp.
Với những đặc tính trên, dầu gió có thể dùng trong các trường hợp sau: Cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi; đau khớp, đau gân, đau cơ bắp, tụ máu, thâm tím; đau bụng, đầy hơi; chống lạnh đường hô hấp, tức ngực, ngạt mũi, ho; say tàu xe...
Cách dùng: Dùng đầu ngón tay trỏ lấy một lượng thích hợp dầu hoặc cao xoa, bôi lên chỗ đau nhức hay vết côn trùng đốt. Nếu đau bụng, chướng bụng, bôi vào vùng quanh rốn; nếu nhức đầu thì bôi vào thái dương, sau đó miết mạnh, day tròn, ấn mạnh bằng ngón tay trỏ. Các loại dầu có nhiều thành phần tinh dầu có thể pha vào nước nóng để xông, trịcảm cúm. Loại dầu nóng chỉ dùng giảm đau trong các chứng đau khớp, thấp khớp.
Những điều cần lưu ý khi dùng dầu gió: Tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ sơ sinh. Chỉ dùng ngoài da, không được uống (sẽ hủy hoại niêm mạc đường tiêu hóa). Không bôi lên niêm mạc, vùng mắt, vết thương hở... Không bôi quá 3-4 lần/ngày. Không bôi trên diện rộng, toàn thân; chỉ bôi ở điểm đau, vùng đau. Để xa tầm tay của trẻ em. Khi triệu chứng không đỡ, cần đi khám để được chẩn đoán, điều trịthích hợp.
BS ĐOÀN VĂN HẢI