Hơn 10 năm kể từ ngày thành lập Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa (nay là Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa), không ít người mắc bệnh lao, phổi đã được phát hiện và điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, những người làm công tác phòng, chống lao ở đây vẫn trăn trở, khi số người được phát hiện mắc bệnh lao vẫn còn rất nhiều trong cộng đồng.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa khám cho gần 2.000 lượt người, trong đó người bệnh được chẩn đoán mắc lao khoảng 150-180 người. Trên thực tế, số người mắc lao tại cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị còn nhiều hơn.
Để giúp người dân có điều kiện được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao, hàng năm, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa và Trạm Chuyên khoa Lao tỉnh đều tổ chức các đợt khám tại cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi đợt chỉ khám được ở 2, 3 phường, xã với thời gian từ 3-5 ngày, trong đó ưu tiên khám sàng lọc những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ chứ chưa thể khám cho tất cả người dân ở phường, xã đó. Đợt khám nào cũng phát hiện các trường hợp nghi do lao, ít thì 1, 2 người, nhiều thì 5, 6 người.
Nhờ những buổi khám sàng lọc tại cộng đồng mà số người mắc bệnh lao đã được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo nhận định của các cán bộ trong đoàn khám sàng lọc, sở dĩ số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị trong những năm gần đây có xu hướng tăng so với trước là nhờ vào những đợt khám sàng lọc như thế. Hiện tại, số người mắc lao tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, điều trị vẫn còn nhiều, dẫn đến khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng là rất lớn.
Mặc dù ngành Y tế đã tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống lao cũng như làm thế nào để phát hiện bệnh một cách kịp thời, nhưng phần vì nhận thức của người dân còn hạn chế, phần vì người dân còn có tư tưởng chủ quan do bệnh lao diễn biến từ từ, nên nhiều người cho rằng bệnh này không thực sự nguy hiểm. Họ không đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Họ cho rằng không làm việc trong môi trường độc hại, mặt khác, gia đình và những người xung quanh không ai mắc lao nên mình cũng không thể mắc lao. Chỉ đến khi thấy người rất mệt mỏi, sốt nhiều, giảm cân nhanh chóng, chưa đầy một tháng mà đã giảm từ 5-8kg, họ mới đến trạm y tế, trung tâm y tế hay Trạm Chuyên khoa Lao tỉnh khám và biết mình đã bị lao.
Theo những người làm công tác chuyên môn về chuyên khoa lao, nhiều nguyên nhân khiến người bệnh mắc lao như do thường xuyên làm việc ở nơi bị ô nhiễm, ẩm ướt, tối tăm, bụi bẩn và bị nhiễm vi khuẩn lao. Nếu vô tình tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, với chất thải có chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi hoặc do lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này sang người kia…, chúng ta cũng có thể mắc lao.
Phát hiện để điều trị đã khó, vậy mà trong thời gian điều trị, không ít bệnh nhân khi thấy sức khỏe đã ổn định liền tự ý bỏ thuốc, khiến cho việc điều trị sau này không những gặp khó khăn mà còn tạo điều kiện cho vi trùng lao hình thành khả năng kháng thuốc. Do đó, sự phối hợp của người bệnh đóng vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định trong quá trình điều trị đối với người mắc lao.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phát hiện, điều trị cho người bệnh lao luôn được đặt lên hàng đầu. Từ năm 2015, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa có sáng kiến “Chủ động khám xung quanh nhà bệnh nhân lao có BK đàm dương tính trong bán kính 200m”, nhờ đó phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh lao trong cộng đồng. Tính từ đầu năm nay đến ngày 18/3/2016, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa đã phát hiện mới 45 bệnh nhân lao/150 chỉ tiêu cả năm 2016.
Một điều đáng mừng là giờ đây, nhận thức của cộng đồng về lao đã khác xưa nhiều, họ không còn coi lao là một trong những tứ chứng nan y. Vì thế, bản thân người bệnh không còn e dè, lo ngại về căn bệnh của mình; những người xung quanh có sự cởi mở trong giao tiếp cũng như tiếp xúc với người bệnh.
Làm thế nào để người mắc bệnh lao, nhất là những người nghèo, được tiếp cận với dịch vụ chữa lao tốt nhất là một trong những mục tiêu mà Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa hướng tới.
BSCK1 ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa