Hỏi: Tại sao trẻ đã tiêm phòng sởi vẫn còn có thể bị mắc bệnh sởi, nếu trẻ bệnh nên điều trị như thế nào. Trẻ 5 tuổi, lúc nhỏ đã tiêm phòng đầy đủ, giờ có cần tiêm nhắc lại mũi sởi?
Lê Hữu Nam
(xã Xuân Phước, Đồng Xuân)
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời: Sởi là một bệnh do vi rút gây nên, rất dễ lây lan, có thể gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em.
Lứa tuổi dễ bị mắc sởi là trẻ em từ khoảng 8 tháng tuổi trở lên. Sau khi bị mắc sởi hoặc được tiêm chủng trẻ sẽ được miễn dịch với bệnh sởi suốt đời. Hiện nay, trẻ lớn hoặc người lớn cũng có thể mắc sởi do lúc nhỏ chưa bị bệnh sởi hoặc chưa được chủng ngừa sởi.
Phòng bệnh hữu hiệu duy nhất là tiêm phòng. Vắc xin phòng sởi có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ định tiêm phòng cho trẻ vào thời điểm từ 9 đến 11 tháng tuổi, tiêm 1 mũi.
Sau khi tiêm phòng sởi, theo chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ khoảng 90% số trẻ được tiêm có miễn dịch đầy đủ, 10% còn lại vẫn có thể mắc bệnh sởi nếu nhiễm phải chủng vi rút sởi có độc lực cao. Sau vài năm, số trẻ miễn dịch chưa đầy đủ này tích lũy đủ lớn để bùng phát thành những ổ dịch sởi. Tuy nhiên, bệnh sởi ở những trẻ đã được chủng ngừa thường nhẹ hơn, ít biến chứng.
Tùy tình hình mắc bệnh tại địa phương, chương trình có thể tiêm nhắc lại mũi 2 cho tất cả trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi. Vắc xin sởi cũng có trong các loại vắc xin tam liên, tiêm 1 mũi phòng 3 bệnh (tiêm dịch vụ): sởi-quai bị-rubella (Pirorix, Trivivac), thường được tiêm cho trẻ 12 đến 15 tháng tuổi; liều thứ hai được tiêm khi trẻ lên 4 đến 6 tuổi, nhưng không nên quá 11 hoặc 12 tuổi, có thể tiêm cho người lớn nhưng hiệu quả kém hơn.
Bệnh sởi có thể nặng, nhẹ không giống nhau ở mỗi người. Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là hỗ trợ: Tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng, đặc biệt, dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt ; vệ sinh răng miệng, da, mắt; hạ nhiệt, giảm ho. Nếu có bội nhiễm viêm phổi, viêm tai người bệnh dùng kháng sinh thích hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Ở trẻ nhỏ, bệnh sởi nguy hiểm do dễ bị các biến chứng kèm theo như tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm phổi. Các bệnh cảnh này rất thường xảy ra sau sởi, và có thể tử vong nếu không được chăm sóc điều trị thích hợp.
BS ĐOÀN VĂN HẢI