Hỏi: Bác sĩ có thể cho biết muỗi có thể truyền bao nhiêu loại bệnh cho người, cách thức lây truyền như thế nào?
Trần Anh Tuấn (phường 1, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Bệnh sốt rét do loài muỗi Anopheles (muỗi đòn xóc) lây truyền. Muỗi Anopheles có tập tính trú đậu trong và ngoài nhà, trong rừng, thích đốt hút máu người và gia súc như trâu, bò. Muỗi có thể chích hút máu suốt đêm. Khi chích hút máu người bệnh sốt rét, ký sinh trùng sốt rét Plasmodium sẽ theo máu vào bụng muỗi, sinh sôi phát triển ở đó và di chuyển về tuyến nước bọt muỗi. Khi muỗi chích người khác thì ký sinh trùng sốt rét sẽ theo vết chích vào gây bệnh cho người đó. Bệnh sốt rét tuy đã có thuốc đặc trị hữu hiệu nhưng vẫn có thể tử vong nếu chẩn đoán và điều trị muộn; ngoài ra tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc cũng làm tăng nguy cơ tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết, do loài muỗi vằn (Aedes aegypti, A. albopictus) hút máu lây truyền virus Dengue. Muỗi vằn thường sống và hoạt động ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Nó là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng và một số bệnh do virus khác. Muỗi chủ yếu đẻ trứng ở những nơi nước sạch như chum, vại chứa nước đặt trong nhà hoặc ngoài nhà, ống máng, kẽ lá, ống nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cảnh... Muỗi có tập tính chích hút máu người vào buổi sáng hoặc buổi chiều, đa số thường chích hút máu và trú đậu để nghỉ ở trong và chung quanh nhà. Bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh, tỉ lệ tử vong khoảng 1 đến 5% trong số những người nhập viện.
Một số loài Aedes khác là trung gian lây truyền bệnh sốt vàng, một bệnh nguy hiểm, tương tự sốt xuất huyết, gặp nhiều ở các nước châu Phi, Nam Mỹ
Bệnh viêm não Nhật Bản B là bệnh do virus viêm não lan truyền bởi loài muỗi Culex tritaeniorhynchus. Muỗi Culex (muỗi nâu) là loài muỗi rất phổ biến. Mũi có tập tính thích đẻ trứng ở các thủy vực có nước trong, thường được phát hiện nhiều ở những ruộng lúa nước, ao, mương rãnh... Muỗi cái trưởng thành chích hút máu vào ban đêm. Chúng thích hút máu chim, máu lợn nhiều hơn máu người và thường trú ẩn ở các bụi rậm hoặc chuồng gia súc, nhất là chuồng heo. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề, hiện vắc xin phòng bệnh đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Một số loài muỗi Culex, Aedes, Mansoni khác có thể truyền bệnh giun chỉ bạch huyết (còn gọi là bệnh phù chân voi). Bệnh ngày nay ít gặp.
BS ĐOÀN VĂN HẢI