Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố về cơ sở vật chất và nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.
Khám bệnh ở Trạm Y tế xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) - Ảnh: V.HOÀNG
PHÁT HUY VAI TRÒ Y TẾ CƠ SỞ
Năm 2013, ngành Y tế Phú Yên đã tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung nhân lực cho tất cả các trạm y tế xã đủ số lượng theo quy định của Thông tư liên tịch 08/TTLT-BYT-BNV ngày 5/6/2007 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ và đủ 5 thành phần chuyên môn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu bác sĩ chung của toàn tỉnh nên chỉ mới có 65/112 xã được bố trí bác sĩ (đạt 58%). Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở các xã chưa có bác sĩ vẫn được chăm sóc sức khỏe chu đáo và có thể thụ hưởng các quyền lợi về y tế như ở các xã khác, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế cử các bác sĩ từ tuyến trên về tuyến cơ sở để hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật mới. Nhờ vậy, hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ làm việc từ 2 đến 3 ngày trong tuần. Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa là đơn vị điển hình trong việc thực hiện chủ trương này.
Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân tại các trạm y tế xã không ngừng gia tăng. Năm 2012, tổng số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế hơn 100.000 lượt, năm 2013 là 110.135 lượt. Người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế cũng ngày càng tăng (30.000 thẻ năm 2012; 35.835 thẻ năm 2013). Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa tuy chỉ có 8/16 trạm y tế có bác sĩ, nhưng nhờ thực hiện Đề án 1816, tất cả các trạm đều có bác sĩ đến khám chữa bệnh cho nhân dân 2-3 ngày/tuần, nâng số lượt khám chữa bệnh tại các trạm y tế trong 6 tháng cuối năm 2013 lên gấp đôi so với 6 tháng đầu năm khi chưa triển khai phương án này.
Góp phần hoàn thành tốt công tác Dân số - KHHGĐ và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản không thể không kể đến đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ gồm 1.650 người và 470 hội viên Hội Y tế thôn bản. Họ làm việc theo phương châm “đi tận ngõ, gõ tận nhà”.
Công tác y tế trường học cũng từng bước được củng cố. Dự kiến trong năm 2014, với sự phối hợp của Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và Sở Y tế, đội ngũ cán bộ y tế trường học sẽ được tuyển dụng và sắp xếp lại để đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên ngay tại các trường học.
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ
Bên cạnh những kết quả trên, mạng lưới y tế cơ sở của Phú Yên vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 8/112 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ tiêu chí mới về y tế xã 2011-2020. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trên cả nước.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 112/112 xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Thời gian qua, ngành Y tế đã tập trung nguồn lực để sửa chữa, cải tạo các nhà vệ sinh, lò đốt rác thải… cho 43 trạm y tế với kinh phí 6,3 tỉ đồng. Theo kế hoạch từ năm 2014, ngành sẽ ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã, dự kiến sẽ sửa chữa, nâng cấp 45 trạm, xây dựng mới 19 trạm, mua sắm bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho một số trạm với kinh phí ước tính 129 tỉ đồng.
Mới đây, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo góp ý đề án “Tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới”. Mục tiêu của Đề án nhằm tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ và cơ chế hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân ngay tại cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đảm bảo công bằng, hiệu quả và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường y tế cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Theo đó, các biện pháp thực hiện gồm tăng cường nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; củng cố tổ chức, đổi mới cơ chế hoạt động; phát triển nhân lực cho y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Đầu tư cho y tế cơ sở chính là đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế kịp thời và đạt hiệu quả cao nhất.
BSCKII NGUYỄN THỊ MỘNG NGỌC
Phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên