Thứ Năm, 28/11/2024 22:53 CH
Điều trị bằng thuốc ARV:
Giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Thứ Năm, 11/07/2013 10:00 SA

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) đang được mở rộng tại Việt Nam. Ngoài tác dụng giảm tỉ lệ bệnh tật, giảm tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV còn là một biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả.

 

xet-nghiem130711.jpg

Phụ nữ mang thai cần được tư vấn xét nghiệm HIV - Ảnh: TL

DỰ PHÒNG CÀNG SỚM, HIỆU QUẢ CÀNG CAO

 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm cho biết, khả năng lây HIV từ mẹ sang con càng lớn khi tuổi thai càng cao. Vì vậy, thai phụ cần phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm dự phòng bằng ARV, dùng sữa thay thế, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị sau sinh.

 

Theo các bác sĩ, người mẹ có thể uống thuốc đặc hiệu ARV khi thai nhi được 28 tuần và uống liên tục đến khi sinh. Trong thời gian này, để đảm bảo dự phòng lây truyền có hiệu quả, bà mẹ cần được theo dõi, khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và được sinh tại các cơ sở đủ điều kiện. Sau khi sinh con, để phòng lây truyền HIV sang bé qua sữa mẹ, khi đủ điều kiện nên cho trẻ bú sữa bình hoàn toàn thay cho sữa mẹ. Các loại sữa thay thế cho bé sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được cấp miễn phí tại nhiều cơ sở y tế.

 

Trong trường hợp trẻ bú mẹ hoàn toàn thì nên cai sữa sớm, muộn nhất là khi trẻ được 6 tháng tuổi. Bởi theo các chuyên gia, thời gian bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ càng lớn. Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tư thế bú, cách ngậm bắt vú và xử trí khi nứt núm vú, áp xe vú.

 

Khi bé được 4-6 tuần tuổi, sản phụ và gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV dành cho trẻ em để được theo dõi lâu dài. Trong trường hợp trẻ mồ côi, gia đình nên giới thiệu đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi theo dõi mức suy giảm miễn dịch nặng theo lứa tuổi.

 

Những chính sách mới của Việt Nam trong điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm giảm đáng kể số trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Đơn cử, tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ dưới 5% (năm 2010) xuống còn dưới 3% (năm 2011). Theo tính toán, nếu không có sự can thiệp thì tỉ lệ này trung bình là 35 đến 40%. Tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đều có tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV về các dịch vụ chăm sóc, điều trị trước, trong và sau khi sinh.

 

PHỤ NỮ MANG THAI CẦN XÉT NGHIỆM HIV SỚM

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, nhiều nghiên cứu cho thấy, số người nhiễm mới HIV đã giảm mạnh khi mở rộng điều trị bằng thuốc ARV. Hiện nay, thay vì điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuần thai thứ 28 đã được điều chỉnh xuống tuần thai thứ 14 của thai kỳ.

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi người nhiễm điều trị bằng thuốc ARV càng muộn thì tỉ lệ tử vong càng cao. Nếu phụ nữ mang thai phát hiện muộn tình trạng nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc ARV ở giai đoạn muộn thì tỉ lệ con của họ nhiễm HIV sẽ tăng lên.

 

Theo các bác sĩ, để tăng cường hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV, giảm tình trạng tử vong, giảm các trường hợp nhiễm mới, cứu nhiều trẻ không bị nhiễm từ mẹ, người nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị ngay khi phát hiện tình trạng nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai cần đến khám thai và xét nghiệm HIV sớm để phát hiện sớm tình trạng nhiễm, tốt nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV hiện được cung cấp miễn phí tại các cơ sở y tế điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.

 

Thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay, trong thời gian qua với nỗ lực từ Chính phủ và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV hiện đang được cung cấp miễn phí. Chương trình điều trị bằng thuốc ARV đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV sẽ được mở rộng và lồng ghép vào y tế cơ sở. Ngoài việc chú trọng mở rộng độ bao phủ về mặt địa lý thì tiêu chuẩn được điều trị bằng ARV cũng được thay đổi để người nhiễm HIV được tiếp cận sớm hơn với dịch vụ điều trị.

 

Lưu ý khi chăm sóc phụ nữ có thai bị nhiễm HIV

 

Để thai phụ bị nhiễm HIV dùng riêng biệt một số đồ dùng cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, bấm móng tay, kim tiêm…

 

Nếu thai phụ bị chảy máu, cần nhanh chóng rửa sạch bằng các chất liệu tiệt trùng như nước javel, trong khi lau rửa vết máu cần phải mang găng tay. Nếu không có găng tay phải dùng giấy hoặc ni lông. Khi lỡ bị các vật nhọn của bệnh nhân đâm vào, cần phải nặn máu tại vết thương ra ngay, rửa sạch bằng xà bông và sát trùng lại bằng cồn. Sau khi xử lý tại nhà, cần liên lạc ngay với trung tâm y tế chuyên khoa để được hướng dẫn phòng bệnh.

 

Khi giặt quần áo, khăn, ga giường có dính máu hoặc các dịch tiết của thai phụ cần chú ý: Ngâm bằng nước javel trong thời gian 20 phút rồi đi găng để giặt. Giặt riêng với các quần áo của người khác trong gia đình. Nếu khăn của họ dính các chất đặc như chất nôn, phân… thì phải giặt sạch bớt bằng nước trước khi ngâm javel và giặt lại bằng xà bông.

 

Với các loại rác có máu (giấy, bông, băng gạc, kim tiêm…) cần cho vào hai lần túi ni lông, sau đó buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác.

 

VĂN TÀI - VIỆT HÀ (Giadinh.net.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trách nhiệm của chúng ta hôm nay
Thứ Năm, 11/07/2013 09:00 SA
Nhiều cấp ngành cùng hành động
Thứ Năm, 11/07/2013 08:10 SA
Những loại rau củ có tính kháng viêm cao
Chủ Nhật, 07/07/2013 16:20 CH
Tác hại của ngủ trễ
Chủ Nhật, 07/07/2013 11:00 SA
Phát hiện 197 bệnh nhân tâm thần
Chủ Nhật, 07/07/2013 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek