Báo Phú Yên trích đăng một số ý kiến xung quanh vấn đề chăm sóc toàn diện sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Ảnh: T.DIỆU
* BÁC SĨ NGUYỄN ANH TUẤN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN TỈNH: Khoa Sức khỏe sinh sản vị thành niên và nam học sẽ là địa chỉ đáng tin cậy
Nhìn chung, hiểu biết, kiến thức và khả năng chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên Phú Yên tốt hơn khu vực Tây Nguyên và ngang bằng với những tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái tương đương. Vị thành niên bị nhiễm HIV-AIDS, vướng vào ma túy, mại dâm ít hơn cả nước nhưng lại có xu hướng gia tăng hơn so với nhiều năm trước.
Khoa SKSS vị thành niên và nam học thuộc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh thường tiếp nhận các ca khám, phá thai, điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản vị thành niên. Tuy nhiên, khoa này vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do chưa được đầu tư và nâng cấp xứng tầm. Vì thế có nhiều vị thành niên khi gặp vấn đề về SKSS chưa biết đến khoa nên tự tìm đến cơ sở tư nhân hoặc thực hiện theo chỉ dẫn đọc trên sách báo rất nguy hiểm.
Tôi mong rằng, Khoa SKSS vị thành niên và nam học thuộc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để các em chọn đến khi cần tư vấn sức khỏe sinh sản.
Ảnh: T.DIỆU
* BÀ NGUYỄN THỊ NGỌC ÁI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: “Vẽ đường để hươu chạy đúng”
Trong thời kỳ hội nhập, học sinh độ tuổi trung học có nhiều ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ sự phát triển xã hội. Thực tế tồn tại là học sinh vẫn còn hạn chế hiểu biết về kiến thức giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục một cách đúng đắn và khoa học nên tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai tuổi vị thành niên ở Việt Nam là rất cao. Ở Phú Yên, thời gian qua chỉ ghi nhận một vài trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi THCS, THPT thuộc các huyện miền núi. Điều này chứng tỏ, học sinh vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận và thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản so với vùng đồng bằng.
Trước nay, giáo dục giới tính chủ yếu được tích hợp trong các môn học có liên quan như Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn và các giờ học ngoại khóa nên việc tiếp thu của học sinh vẫn còn hạn chế. Hiện nay, với quan niệm thà “vẽ đường để hươu chạy đúng”, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CDFED) triển khai đồng bộ Chiến dịch “Cùng chia sẻ” với mong muốn nhà trường sẽ là nơi cung cấp kiến thức giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục một cách khoa học nhất đến với học sinh. Giáo án giảng dạy trong nhà trường của Chiến dịch “Cùng chia sẻ” do Trung tâm CDFED cung cấp. Ngành GD-ĐT đang triển khai thí điểm tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa và nhận được phản hồi tích cực từ học sinh và giáo viên giảng dạy. Các hoạt động tập huấn cho giáo viên, tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo, tổ chức các cuộc thi, tăng cường giờ giảng dạy và giờ học ngoại khóa để cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh bắt đầu thực hiện vào đầu tháng 9 tới.
Với nỗ lực của ngành Giáo dục và hỗ trợ từ các cấp ngành có liên quan, tôi tin tưởng nhà trường sẽ là nơi tốt nhất giáo dục đạo đức, lối sống giúp các em định hình và phát triển nhân cách.
Ảnh: T.HIẾU
* ÔNG BÙI THANH TOÀN - QUYỀN BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN PHÚ YÊN: Nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đoàn viên, thanh niên
Đoàn thanh niên là nơi tập hợp thanh niên, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi. Trong những năm qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục được các cấp các ngành và toàn xã hội đánh giá cao.
Với trách nhiệm của mình, Tỉnh đoàn đã tích cực phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ thực hiện tốt công tác truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục bằng các hoạt động như: tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở về công tác DS-KHHGĐ; tư vấn sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên; thành lập các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành viên/thanh niên ở các trường đại học, cao đẳng, CLB mẹ và con, CLB gia đình, CLB tiền hôn nhân; tổ chức thành lập “Góc thân thiện vị thành niên/thanh niên” tại Câu lạc bộ thanh niên Cà phê Xanh (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) và tổ chức các hoạt động mít tinh, diễu hành về dân số; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin của Đoàn.
Chúng tôi sắp triển khai trong toàn Đoàn thực hiện mô hình “Ngày chủ nhật hành động vì DS- KHHGĐ” với chuỗi các hoạt động như: Liên hoan các đội thanh niên tuyên truyền dân số cơ sở; thi sân khấu hóa chủ đề “Ở nhà chủ nhật”; thi vẽ tranh, sáng tác băng rôn, biểu ngữ, sáng tác thơ tuyên truyền về DS-KHHGĐ; tổ chức “Góc tư vấn thân thiện”. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ tổ chức nhân rộng và thành lập mới 4 góc tư vấn thân thiện tại 4 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
DIỆU ANH (thực hiện)