Thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa là nguyên nhân khiến cho tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Do đó, khi bị đau khớp, mệt mỏi, căng mạch máu, nên bổ sung những loại rau củ sau để cân bằng:
Ngũ cốc nguyên hạt
Trái ngược với ngũ cốc đã tinh chế như bánh mỳ trắng, gạo, mỳ ống, ngũ cốc nguyên hạt có khả năng kìm hãm tình trạng viêm nhiễm. Lý do là vì trong ngũ cốc có nhiều chất xơ giúp làm giảm nồng độ phản ứng của protein, một dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm trong máu.
Rau lá xanh đậm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin E đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi những phân tử gây viêm gọi là cytokines– và một trong những nguồn dồi dào nhất của loại vitamin này là rau màu xanh đậm, như rau bina, cải xoăn, súp lơ xanh,…Rau xanh đậm và các loại rau cải chứa nhiều vitamin và khoáng chất như canxi, sắt,… hơn các loại rau có lá màu sáng.
Các loại hạt
Một nguồn chất béo có lợi kháng viêm khác là các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân rất giàu chất xơ, canxi, vitamin E và quả óc chó với hàm lượng axit alpha – linolenic, một dạng của chất béo omega – 3. Tất cả các loại hạt đều chứa chất chống oxy hóa có tác dụng giúp cơ thế chống lại và phục hồi các tổn thương gây ra bởi viêm. Các loại hạt (cùng với cá, rau xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt) là một phần quan trọng của chế độ ăn Địa Trung Hải, giúp giảm viêm trong khoảng 6 tuần.
Đậu nành
Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng isoflavones, chất có dạng tương tự estrogen tìm thấy trong sản phẩm từ đậu nành, có thể làm giảm mức độ viêm nhiễm ở phụ nữ; một nghiên cứu về động vật công bố trên Journal of Inflammation (một tạp chí chuyên về viêm nhiễm) năm 2007 cũng đã chỉ ra khả năng của isofalavones trong việc giảm tác động tiêu cực của viêm lên xương và tim ở chuột. Nên hạn chế những sản phẩm chế biến sẵn từ đậu nành, vốn thường được bổ sung các chất phụ gia và bảo quản. Thay vào đó, nên bổ sung sữa, tào phớ, đậu phụ luộc vào chế độ ăn uống thường xuyên của bạn.
Cà chua
Cà chua cũng là một loại rau giúp chống viêm ở một số người. Cà chua đỏ đặc biệt giàu lycopene, một chất đã được chứng minh là làm giảm viêm phổi cũng như khắp cơ thể. Cà chua đã nấu chín thậm chí còn chứa nhiều lycopene hơn cà chua sống, vì vậy mà sốt cà chua cũng rất hiệu quả; ngoài ra một công trình nghiên cứu của Iran năm 2012 cho thấy nước cà chua cũng rất có lợi.
Củ cải đường
Loài thực vật có màu đỏ rực rỡ này là một trong những thực phẩm giàu tính chống oxy hóa nhất: Củ cải đường (và nước ép củ cải đường) không những giảm viêm mà còn chống ung thưvà các bệnh về tim mạch nhờ hàm lượng chất xơ, vitamin C và sắc tố thực vật betalains dồi dào.
Gừng và nghệ
Những loại gia vị phổ biến của ẩm thực châu Á và Ấn độ đã được chứng minh trong các nghiên cứu khác nhau về đặc tính chống viêm. Nghệ hoạt động trong cơ thể bằng cách khóa NF – kappa B, một loại protein điều khiển hệ thống miễn dịch và kích thích quá trình viêm. Trong khi đó, gừng lại cho thấy khả năng giảm viêm ở ruột khi dùng hình thức bổ sung.
Tỏi, hành tây và ớt
Hành tây có các hợp chất chứa lưu huỳnh, đó là nguyên nhân khiến hành có mùi hăng khó chịu nhưng nó lại là một hợp chất cải thiện sức khỏe rất tốt. Hành được sử dụng để ức chế viêm, giảm cholesterol và phòng chống ung thư. Các loại gia vị như tỏi, tỏi tây, hẹ cũng có những công dụng này.
Trái ngược với khoai tây hoặc ngô, ớt nhiều màu, cà chua, bí, và các loại rau có hàm lượng vitamin chống oxy hóa cao và ít tinh bột. Ớt ngọt có rất nhiều màu sắc, trong khi ớt cay rất giàu capsaicin, một hóa chất được sử dụng trong các loại kem bôi giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, một vài bác sĩ và bệnh nhân tin rằng ớt có thể gây trầm trọng thêm tình trạng viêm ở những người bị viêm thấp khớp.
Theo Health