Thứ Năm, 28/11/2024 22:39 CH
Phòng, chống sốt xuất huyết:
Các địa phương cần tích cực vào cuộc
Thứ Hai, 08/07/2013 14:20 CH

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.140 ca mắc sốt xuất huyết (một tử vong), với 52 ổ dịch nhỏ tại 32 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Ngành Y tế đã chỉ đạo triển khai các biện pháp giám sát ca bệnh, điều tra côn trùng, tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, không để dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Tuy nhiên, để phòng bệnh hiệu quả, cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương và ban, ngành, đoàn thể.

 

dieu-tri-sxh130708.jpg

Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: T.THỦY

SỐT XUẤT HUYẾT TĂNG CAO

 

Trước trường hợp bị tử vong đầu tiên do SXH ở thôn Xuân Hòa (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), ông Đoàn Hùng Ánh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa cho biết: Chỉ số muỗi ở Xuân Hòa cao, vì là vùng giáp ranh với xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) nên hai địa phương sẽ cùng phối hợp để xử lý, ngăn chặn dịch bệnh.

 

Cùng với đó, số ca mắc SXH mỗi tuần đều tăng, gây lo ngại cho người dân, ngành Y tế và các địa phương. Hiện toàn tỉnh chỉ có duy nhất huyện Đồng Xuân bệnh SXH xảy ra lai rai không đáng kể và chưa có ổ dịch nhỏ. Các địa phương có số ca mắc SXH cao là Đông Hòa, Phú Hòa, Sông Hinh, TP Tuy Hòa. Toàn tỉnh đã xử lý trên 50 ổ dịch SXH bằng các biện pháp tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất. Đặc biệt, tại huyện Sông Hinh đã ghi nhận hơn 170 ca mắc và 15 ổ dịch SXH.

 

Bác sĩ Trần Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh cho biết: Lực lượng y tế dự phòng của huyện cùng với sự hỗ trợ của tuyến tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, nhưng ý thức người dân quá kém. Vì vậy, số ca mắc và số ổ dịch nhỏ ở địa phương ngày càng tăng. “Điều đáng nói chính người Kinh ý thức kém, chứ không phải người Ê Đê. Người Ê Đê không chứa nước, chỉ khi nào dùng, họ mới xả nước từ các điểm nước máy, còn nước đựng trong trái bầu thì được đậy nút lại. Người Kinh thì chứa nước vào đủ loại và thường quên việc kiểm tra, đổ bọ gậy”, ông Anh cho biết thêm.

 

Sở Y tế Phú Yên nhận định: Tình hình bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng và có diễn biến phức tạp, số ổ dịch cũng gia tăng. Dự báo trong thời gian tới, bệnh SXH có nguy cơ gia tăng, bùng phát, nguyên nhân là do: Thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho muỗi phát triển, công tác diệt bọ gậy chưa được làm thường xuyên và không mang lại hiệu quả; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa được sâu rộng nên ý thức người dân về tự phòng bệnh chưa cao.

 

CẦN TÍCH CỰC VÀO CUỘC

 

Mọi năm, TX Sông Cầu là địa phương luôn có số ca mắc SXH cao. Năm nay, đến thời điểm này Sông Cầu ghi nhận 83 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp bị choáng nặng. Theo ông Trần Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Sông Cầu, địa phương khống chế được tình hình phát triển nhanh của bệnh đó là do phun hóa chất chủ động và xử lý đúng theo quy trình khi phát hiện ổ dịch nhỏ. Đặc biệt, UBND TX Sông Cầu rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đợt 1, UBND thị xã đã hỗ trợ trên 60 triệu đồng cho việc phòng dịch và sẽ tiếp tục hỗ trợ đợt 2 trong các tháng cao điểm. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Y tế phối hợp tốt với các lực lượng khác trong việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất.

 

Các huyện Tuy An, Đông Hòa, Sơn Hòa… cũng được lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã có ổ dịch nhỏ quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để dập dịch. Trung tâm Y tế các huyện Phú Hòa, Tây Hòa cũng đã đề xuất UBND các huyện mở hội nghị bàn biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả. Hiện còn một số địa phương chưa thật sự chú trọng, chung tay vì dịch bệnh; chưa chỉ đạo các đoàn thể, ban, ngành, trường học cũng như việc hỗ trợ kinh phí để phòng, chống bệnh.

 

Bác sĩ Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Một bất lợi hiện nay là thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Một phần vì là đang trong mùa nóng, nhiều hộ gia đình ngủ không mắc mùng nên dễ bị muỗi đốt. Với bệnh SXH, biện pháp diệt muỗi và lăng quăng là hết sức quan trọng và nếu làm triệt để thì bệnh sẽ không lan rộng. Tổ chức các hoạt động phòng, chống SXH tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng; phát hiện, xử lý bọ gậy, tuyên truyền vận động người dân tham gia chống dịch; ngăn chặn không để dịch phát triển và lan rộng sang các địa bàn khác... là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ở một số nơi, các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo công tác này nên việc phòng, chống bệnh vẫn chỉ có ngành Y tế thực hiện và việc phối hợp giữa ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể còn rất hạn chế. Kinh phí của các địa phương dành cho công tác chủ động phòng chống SXH chưa được kịp thời và đúng mức.

 

THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những loại rau củ có tính kháng viêm cao
Chủ Nhật, 07/07/2013 16:20 CH
Tác hại của ngủ trễ
Chủ Nhật, 07/07/2013 11:00 SA
Phát hiện 197 bệnh nhân tâm thần
Chủ Nhật, 07/07/2013 08:30 SA
279 trường hợp mắc sốt rét
Chủ Nhật, 07/07/2013 08:05 SA
Giúp trẻ 1-3 tuổi phát triển vốn từ vựng
Thứ Sáu, 05/07/2013 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek