Vào năm 1966, tại Hòn Ngang thuộc xã An Nghiệp (Tuy An) diễn ra một trận thắng lớn của một trung đội đặc công cùng phối hợp lực lượng với một đại đội thuộc Tiểu đoàn 85. Quân ta đã tiêu diệt, làm bị thương một đại đội bảo an địch.
Hòn Ngang hôm nay - Ảnh: H.THU
Thời gian này, xã An Nghiệp đã thuộc vùng giải phóng, nhưng địch cố chiếm lại Hòn Ngang và đóng chốt ở đây một đại đội bảo an. Âm mưu của chúng nhằm để khống chế một vùng rộng lớn phía tây huyện Tuy An gồm: vùng 4 An Lĩnh, An Xuân và các tuyến đường trọng điểm tiếp tế lương thực và thực phẩm từ các xã phía đông huyện như An Ninh, An Thạch, An Dân…Vì vậy, Tỉnh đội Phú Yên có chỉ thị phải đánh tiêu diệt chúng để giữ vững vùng giải phóng.
Vào khoảng tháng 4/1966, Đại đội 202 đang đóng quân ở vùng núi xã An Lĩnh (Tuy An) nhận được lệnh của Tỉnh đội Phú Yên phải cấp tốc hành quân về xã An Nghiệp để chuẩn bị đánh trận này. Ban Chỉ huy Đại đội 202 lúc này do đồng chí Nguyễn Hùng làm Đại đội trưởng đã bàn bạc và thống nhất cử Trung đội 3 do đồng chí Thống làm Trung đội trưởng tiến đánh cứ điểm Hòn Ngang. Sau khi làm công tác chuẩn bị, ta nhận thấy nơi đây có nhiều điểm khá thuận lợi cho quân ta khi tấn công. Cứ điểm này do địch vừa mới tái chiếm nên việc chuẩn bị công sự của chúng khá sơ sài. Địch chỉ rào vài lớp hàng rào dây thép gai và hệ thống giao thông hào cũng rất đơn giản. Về lực lượng, Tiểu đoàn 85 cử một đại đội đánh yểm trợ với trung đội đặc công nên lực lượng tham gia trận này quân ta mạnh hơn địch. Vừa xẩm tối thì trung đội đặc công được chia thành 3 tổ bí mật ém quân sát chân núi Hòn Ngang ngay trong đêm. Nhiệm vụ phát hỏa được giao cho tổ 1 do đồng chí Nguyễn Văn Kề làm tổ trưởng. Khoảng 24g hôm đó, khi thấy tổ của đồng chí Kề phát hỏa, 2 tổ còn lại đồng loạt nổ súng tấn công.
Trận chiến đấu kéo dài chỉ khoảng 30 phút, đại đội bảo an địch bị tổn thương lớn. Nhiều tên bị tiêu diệt và bị thương, một số tìm đường chạy thoát thân. Quân ta thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng do chúng bỏ lại.
Trận đánh này có một ý nghĩa rất lớn, đó là vùng giải phóng của ta được bảo vệ vững chắc, việc giao thương giữa các vùng, các xã của huyện Tuy An được mở rộng. Nhờ vậy, công tác tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men để nuôi quân được dễ dàng hơn. Về phía địch, sau khi bị thất bại nặng nề, chúng buộc phải co cụm lại…
HÀ ANH
(Ghi theo lời kể của các cựu chiến binh tham gia trận Hòn Ngang)