Thứ Bảy, 21/09/2024 02:23 SA
Người chỉ huy mẫu mực
Thứ Sáu, 07/06/2013 08:00 SA

Những người vào sinh ra tử với ông một thời đều nói về ông với một tấm lòng kính mến vô bờ bởi ông là một người chỉ huy mẫu mực trong cuộc sống đời thường, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn nhất... Tên khai sinh của ông là Phan Công Thanh, nhưng trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ông được tổ chức và đồng chí, đồng đội gọi là Phan Công Nhỏ.

 

thanh130607.jpg

Ông Phan Công Thanh, người đứng thứ hai (hàng thứ hai từ bên phải qua) - Ảnh: C.T.V

Quê của ông ở tỉnh Quảng Nam. Ông là bộ đội tập kết ra miền Bắc từ những năm 1954 đến 1955. Năm 1960, ông Phan Công Thanh là một trong số ít người được trở lại miền Nam chiến đấu. Trở về Nam, ông được tổ chức giao nhiệm vụ làm Đại đội phó CK phụ trách công tác hậu cần, sau này gọi là Đại đội đặc công 202 thuộc Tỉnh đội Phú Yên. Những năm tháng công tác và chiến đấu trên chiến trường Phú Yên, mà đặc biệt là thời gian ở Đại đội đặc công 202, ông đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên với đồng chí, đồng đội.

 

Là người phụ trách công tác hậu cần cho đơn vị, ông đã không nề hà vất vả, hiểm nguy, thường xuyên liên hệ móc nối với cơ sở để kịp cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi quân. Trong thời điểm này, gạo từ miền Bắc chỉ cung cấp một lượng nhỏ cho chiến trường miền Nam. Riêng Phú Yên thì lực lượng cách mạng phải tự lực cánh sinh để nuôi cán bộ, bộ đội. Vì vậy, chuyện ông phải chạy ăn từng bữa cho anh em trong đơn vị là chuyện thường ngày. Không những vậy, ông còn phải tính toán, cân đo đong đếm để cân đối số lương thực, thực phẩm một cách khoa học, bảo đảm anh em ăn no, có sức chiến đấu. Nhiều lúc đói quá, anh em trong đơn vị đòi ăn hết số lương thực dự trữ. Ông đã động viên mọi người bằng một câu nói mà đến giờ nhiều người vẫn nhớ như in: “thà ăn ít, còn hơn ăn no rồi đói”.

 

Trong chiến đấu, ông Phan Công Thanh luôn là người chỉ huy sâu sát, kỹ lưỡng từ công tác chuẩn bị chiến trường cho đến lúc kết thúc trận đánh. Ông luôn vạch ra nhiều phương án đánh địch, bất kể trận đánh lớn hay nhỏ đều được ông cân nhắc kỹ để chọn những phương án đánh đỡ tổn thương đến tính mạng của đồng chí, đồng đội. Những trận đánh do ông chỉ huy đều rất ít thương vong. Trong nhiều năm chiến đấu trên chiến trường Phú Yên, ông tham gia nhiều trận đánh và để lại dấu ấn về lòng dũng cảm, mưu trí trong thực tiễn chiến đấu với quân thù, được nhiều người nể phục, tin yêu. Trong trận đánh tiêu diệt một đại đội bảo an địch tại núi Miếu (xã Hòa Quang Bắc, Phú Hòa) vào ngày 13/1/1963, nhiều người còn nhớ hình ảnh ông nhỏ nhắn đánh giáp lá cà với tên đại đội trưởng đại đội bảo an địch, cao to lực lưỡng. Tại trận này, Phân đội đặc công có 20 đồng chí tham gia được chia thành 2 mũi. Trong đó, mũi 1 là mũi chủ công do ông Phan Công Thanh chỉ huy. Mũi này được chia thành 3 tổ để đánh từ phía đông lên và đánh vào khu chỉ huy sở. Đây là trận đánh lớn và là trận đầu tiên mang tính chất tiêu diệt nên rất quan trọng. Hơn nữa, núi Miếu là cứ điểm rất khó đánh vì có rất nhiều đá lớn nên bọn địch lợi dụng đá để làm công sự. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho quân ta vì khi bị quân ta tấn công, địch đã chui vào các gộp đá ẩn nấp. Trận đánh diễn ra khoảng 15 phút thì quân ta bị thiếu vũ khí, nên phải đánh giáp lá cà với địch rất giai dẳng, kéo dài cho tới 5g30 sáng hôm sau mới chấm dứt. Tại trận đánh này, hầu hết đại đội bảo an địch bị tiêu diệt. Riêng tên đại đội trưởng định tẩu thoát đã bị ông Phan Công Thanh dũng cảm xông vào đánh để kìm chân. Khi hai bên đang giằng co quyết liệt thì quân ta kịp thời kết thúc số phận tên này.

 

Để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch quản thúc ở TX Tuy Hòa vào năm 1961, Trung ương Đảng và Quân khu 5 đã giao trách nhiệm cho Tỉnh ủy và Tỉnh đội Phú Yên bằng mọi cách phải tổ chức giải thoát luật sư về căn cứ an toàn. Nhờ những đức tính quý báu của ông, ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ. Tại chuyến đi lịch sử này, ông chỉ huy 1 tiểu đội đặc công bí mật chờ sẵn tại mả bà Dũ Ký thuộc thôn Quy Hậu (xã Bình Kiến, TX Tuy Hòa, nay là TP Tuy Hòa) để bắt liên lạc, phối hợp với các tổ chức đón và đưa luật sư về vùng căn cứ an toàn tuyệt đối. Mãi sau này trong một lần về thăm Phú Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhớ và tới thăm ông, lúc này nhiều người mới biết, ông là một trong những người chiến sĩ đặc công năm xưa tham gia giải thoát luật sư. Cựu binh Huỳnh Văn Ủng nhớ lại: “So với anh Phan Công Thanh tôi thuộc lớp đàn em. Khi chúng tôi về đơn vị, anh Thanh là người trực tiếp huấn luyện các kỹ thuật đặc công cho chúng tôi. Tôi được sống và chiến đấu cùng với anh Thanh trong thời gian khá dài (từ năm 1962 đến 1967), anh ấy là một người chỉ huy nhưng giống như một người anh cả của chúng tôi”.

 

Cuộc đời của ông Phan Công Thanh là một tấm gương mẫu mực trong chiến đấu và cả trong cuộc sống đời thường. Hình ảnh của ông gắn với những bản hùng ca của Đại đội đặc công 202 vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người đang sống.

 

HÀ THU

(Ghi theo lời kể của các cựu chiến binh, nguyên chiến sĩ

Đại đội đặc công 202, Tỉnh đội Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek