Từ tháng 1 đến tháng 6/1954, quân dân Phú Yên cùng bộ đội chủ lực của Quân khu 5 đã đánh bại cuộc hành quân Át-lăng của giặc Pháp.
Bộ đội xuống tàu tập kết ra miền Bắc - Ảnh: BDO |
Trong lúc quân ta đang bao vây các binh đoàn cơ động của Pháp trong TX Tuy Hòa thì Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ ký kết. Đất nước chia hai miền Nam - Bắc. Cuối tháng 8/1954 cán bộ Đảng, chính quyền, bộ đội rời Phú Yên về Bình Định, vùng tập kết 300 ngày trước khi tập kết ra miền Bắc. Theo quy định của hiệp định, sau 30 ngày kể từ ngày ký, Phú Yên phải giao lại cho đối phương tiếp quản.
Tiểu đoàn 375 chúng tôi, đơn vị chủ lực của tỉnh được lệnh hành quân từ Phú Yên hướng về Bình Định. Dọc đường hành quân, đi đến đâu cũng thấy đồng bào đứng cạnh đường tiễn chân, diễn ra cảnh kẻ ở người đi bùi ngùi xúc động theo bước quân hành.
Đơn vị chúng tôi hành quân đến huyện Phù Cát (Bình Định), đóng quân ở nhà dân rồi học tập nội dung của hiệp định đình chiến để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân giữ vững niềm tin, tiếp tục đấu tranh thi hành hiệp định; chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất nước nhà dự định vào năm 1956. Vào trung tuần tháng 8/1954 tại sân bay Phù Cát (Bình Định) có đến hàng vạn quân dân về dự lễ mít tinh mừng chiến thắng có diễu binh, diễu hành, phát huy khí thế chiến thắng quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bộ đội về sống cùng nhân dân trong vùng tập kết 300 ngày ở Bình Định, thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về phát động chiến dịch giúp dân dựng lại nhà cửa, trường học, xây nghĩa trang, làm thủy lợi... Chúng tôi cùng thanh niên xung phong giúp 1 vạn ngày công sửa đê ngăn mặn ở đồng Tuy Phước dài hơn 30km. Thực hiện “đi dân nhớ, ở dân thương”, chúng tôi quyết bảo vệ bản chất truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ. Người dân Bình Định tin tưởng tuyệt đối vào Bộ đội Cụ Hồ. 300 ngày ở Bình Định, đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi về tình “quân dân như cá với nước”. Chúng tôi được bà con đùm bọc, che chở, chia ngọt xẻ bùi, chia sẻ đau thương khi tin bọn tay sai Ngô Đình Diệm tàn sát đẫm máu trong vụ Ngân Sơn – Chí Thạnh (9/1954).
Tiểu đoàn 375 nhận được lệnh sẽ đi tập kết ra Bắc trong chuyến tàu cuối cùng. Nhiệm vụ của chúng tôi rất nặng nề, nhất là vào tháng cuối cùng của 300 ngày tập kết. Lúc này chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở không còn nữa. Cán bộ Đảng, chính quyền lần lượt xuống tàu đi tập kết ra miền Bắc. Thời gian này không thể kể hết những việc chúng tôi đã làm trên đất Bình Định... Đến ngày cuối cùng sắp rời Bình Định, bộ đội vẫn còn làm nhiệm vụ biên phòng ở đèo An Khê. Khi được lệnh, chúng tôi vội vã hành quân cấp tốc vừa đi bộ vừa đi xe Camnhông Ray để kịp về TP Quy Nhơn dự lễ chia tay với đồng bào.
Chúng tôi về đến sân vận động TP Quy Nhơn đúng giờ quy định (14g ngày 15/5/1955). Lúc này sân vận động Quy Nhơn đã có hàng vạn người, đặc biệt là có cả bà con ở các tỉnh lân cận là những cụ già, các mẹ, các chị, vợ, người yêu bộ đội, vượt qua sự kiểm soát hà khắc của đối phương vừa mới tiếp quản để về dự buổi chia tay cuối cùng.
Chiều hôm ấy, đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Liên khu ủy, kiêm Tư lệnh Quân khu 5 dành nhiều tình cảm gởi đến đồng bào. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng, chính quyền gắn bó máu thịt với đồng bào Liên khu 5. Ông rất xúc động căn dặn đồng bào ở lại đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và hẹn gặp nhau ngày thống nhất đất nước. Nhiều người không kiềm được nước mắt. Nhất là các mẹ, các chị, các cháu thiếu nhi òa khóc nức nở vì giờ phút phải chia tay những người thân yêu đã đến, không biết lúc nào mới được gặp lại! Chúng tôi cũng tặng những người thân của mình một tấm thiếp có in hình Cụ già đưa 2 ngón tay trao lời hẹn ước với anh bộ đội “Hai năm tạm biệt xa nhau/ Nước nhà thống nhất ngày sau sum vầy”.
Ngày 16/5/1955, chúng tôi rời Bình Định xuống tàu Ki-Lin-Ski của Ba Lan tập kết ra miền Bắc mang theo hoài bão lớn lao - giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
TRẦN DOÃN PHU