Thứ Sáu, 29/11/2024 19:36 CH
Dấu ấn của Tiểu đoàn 30 trên đất Phú Yên
Thứ Sáu, 10/05/2013 08:30 SA

Ông Trần Ngọc Ánh (cựu chiến binh, thương binh nặng) hiện đang sinh sống tại phường 5 (TP Tuy Hòa). Trong những năm chống Mỹ cứu nước, cựu chiến binh Trần Ngọc Ánh thuộc biên chế Tiểu đoàn 30 (Quân khu V). Những năm tháng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

 

onganh130510.jpg

Ông Trần Ngọc Ánh - Ảnh: H.THU

Tham gia nhiều trận đánh, trong đó có hai trận đánh của Tiểu đoàn 30 trong năm 1965 đã để lại dấu ấn đậm nét trên chiến trường Phú Yên mà ông nhớ mãi. Đó là trận đánh tiêu diệt đoàn xe hơn 40 chiếc tại phía nam đèo Quán Cau và tham gia giải phóng xã Triều Sơn, nay là xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu).

 

TIÊU DIỆT HƠN 40 CHIẾC XE QUÂN SỰ CỦA ĐỊCH

 

Những năm 1965-1966, ta có chủ trương: đánh điểm diệt viện. Thực hiện chủ trương đó, vào tháng 6/1965, tại phía nam đèo Quán Cau (Tuy An) đã diễn ra một trận đánh lớn của quân ta với Trung đoàn 47 địch. Đây là trận đánh được phối hợp lực lượng giữa các tiểu đoàn 11, 12, 13 thuộc Trung đoàn Ngô Quyền và Tiểu đoàn 30 (Quân khu V) đã tiêu diệt, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch và bắn cháy, phá hỏng trên 40 chiếc xe quân sự của địch.

 

Về phía địch, Trung đoàn 47 gồm có 2 đại đội và 2 đại đội bảo an đóng tại khu vực đèo Quán Cau để bảo vệ đường. Đại bộ phận quân địch đóng quân tại TX Tuy Hòa. Ta muốn tiêu diệt địch phải dụ địch ra khu vực đèo Quán Cau để đánh vận động chiến.

 

Tham gia trận này, quân ta được bố trí rất chặt chẽ, ém quân sẵn tại hai bên sườn núi từ dốc Đài tới phía nam đèo Quán Cau. Theo đó, Tiểu đoàn 11 phục kích tại dốc Đài, Tiểu đoàn 13 phục kích tại dốc Bà Ền; từ dốc Bà Ền trở ra giao Tiểu đoàn 12 phục kích. Tiểu đoàn 30 được bố trí một khẩu đội ĐKZ gồm có 3 khẩu cùng lực lượng bộ binh ém quân sát phía nam đèo Quán Cau có nhiệm vụ đánh chặn đầu khi quân địch từ trong TX Tuy Hòa kéo ra.

 

Sáng hôm đó, Trung đoàn 47 địch điều động hơn 40 chiếc xe quân sự hùng hổ kéo quân ra huyện Tuy An. Trong đó có 7 chiếc M113 đi đầu và 4 chiếc khóa đuôi. Chúng kéo quân đi nhưng không hề hay biết đã lọt vào ổ phục kích của quân ta. Chờ cho đoàn xe của chúng vào trọn trong vòng vây, lúc này Tiểu đoàn 30 mới được lệnh nổ súng chặn đầu. Chỉ trong loạt đạn đầu tiên, 3 chiếc M113 đi đầu đã bị khẩu đội ĐKZ của quân ta bắn cháy. Phía sau đoàn xe của địch, các tiểu đoàn 11, 13, 12 đồng loạt nổ súng tấn công. Hàng chục chiếc xe của địch tiến không được, lùi cũng không xong buộc bọn địch phải bỏ xe tháo chạy tán loạn. Trận chiến đấu kéo dài đến 3g chiều. Phần lớn bọn địch bị chết hoặc bị thương, số còn sống sót tháo chạy về thôn An Chấn, xã An Mỹ (Tuy An) hy vọng thoát thân bằng đường biển. Quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa phá hỏng nhiều xe do địch bỏ lại.

 

Trận này, bọn địch bị thất bại thảm hại. Chúng bị thiệt mạng và bị thương trên 200 tên. 7 chiếc M113 bị bắn cháy, 7 khẩu 12ly7 và một khẩu đại bác 105 ly bị phá hủy. Toàn bộ số xe còn lại gần 40 chiếc GMC bị quân ta bắn cháy và phá hủy…

 

THAM GIA GIẢI PHÓNG TRIỀU SƠN

 

Vào mùa khô năm 1965, Tiểu đoàn 30 nhận được lệnh đánh tiêu diệt hơn một đại đội địch đóng quân tại xã Triều Sơn (Sông Cầu) và tham gia giải phóng xã này.

 

Tham gia trận này, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 30 bố trí một đại đội đánh từ Gành Đỏ; một đại đội đánh từ Hảo Danh xuống và một đại đội đón đánh địch từ dốc Găng vào. Đồng thời Ban Chỉ huy tiểu đoàn đề nghị tỉnh điều động một tổ đặc công của Đại đội 202 phối hợp đánh tại đồi Mùa Cua để tiêu diệt địch tại đây và tạo điều kiện cho một đại đội hỏa lực (đại đội trợ chiến) của Tiểu đoàn 30 lên đồi.

 

Trận này, tổ đặc công của Đại đội 202 gồm có 3 đồng chí: Huỳnh Văn Ủng, đồng chí Nhẫn và đồng chí Sanh, do đồng chí Sanh làm tổ trưởng được lệnh phát hỏa trước. Sau đó tất cả các điểm khác tại Gành Đỏ và Hảo Danh đồng loạt nổ súng tiến công. Chỉ sau thời gian rất ngắn bị chặn đánh từ nhiều hướng, bọn địch buộc phải tháo chạy qua Vũng Lấm. Gặp lúc nước thủy triều lên đồng thời lúc này đại đội trợ chiến trên đồi Mùa Cua dùng đại liên và trung liên bắn xuống, tiêu diệt hầu hết sinh lực địch. Khoảng 13g cùng ngày, nước thủy triều rút, xác địch ngổn ngang, quân ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Tại đây, trên 100 tên địch đã phải bỏ mạng. Sau khi bị thất bại thảm hại tại đồi Mùa Cua, đến khoảng 15g cùng ngày, địch điều 2 đại đội vào chi viện. Bọn chúng gặp sự phản ứng quyết liệt của một đại đội được bố trí trước tại dốc Găng nên bị tiêu hao nhiều quân số, còn một số tên sống sót tháo chạy về huyện Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu). Nhân dân xã Triều Sơn rất phấn khởi vì xã được giải phóng.

 

Tiểu đoàn 30 trực thuộc Quân khu V, được thành lập tại tỉnh Nghệ An; gồm có 4 đại đội. Trong đó có 3 đại đội bộ binh là đại đội 1, 2, 5 và Đại đội 10 (đại đội trợ chiến). Tiểu đoàn 30 vào Phú Yên cuối năm 1960, phụ trách 5 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk. Địa bàn tiểu đoàn thường xuyên đóng quân trong những năm chống Mỹ cứu nước là 3 tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và Gia Lai. Trên chiến trường Phú Yên, Tiểu đoàn 30 đã ghi dấu nhiều chiến công vang dội như trận đầu tiên tại huyện Đồng Xuân giải phóng hai xã Xuân Phước, Xuân Quang. Sau này Quân khu V chuyển Tiểu đoàn 30 về Tỉnh đội Phú Yên và được sáp nhập với Tiểu đoàn 14.

 

HÀ ANH

(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Trần Ngọc Ánh,

nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 30)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek