Thứ Sáu, 29/11/2024 21:28 CH
Thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước qua trang nhật ký của một người lính Cụ Hồ
Thứ Tư, 01/05/2013 15:00 CH

Biết ông đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cảm nhận lần đầu tiên gặp ông: Nhanh nhẹn, hoạt bát trong bộ quân phục mang hàm đại tá và thật gần gũi trong cách nói chuyện! Nhưng “duyên nợ” để tôi được đọc cuốn nhật ký của ông là kể từ lúc anh Hoàng Chương, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính, phụ trách chuyên mục “Làm theo gương Bác” của Báo Phú Yên bảo: Em đến nhà chú Tám Thưởng viết một bài nghe…

 

tu-hoa130429.jpg

Ông Đặng Phi Thưởng tự họa mình thời còn trẻ - Ảnh: H.ANH

Trong lần gặp đó, tôi nhờ chú Tám kể một câu chuyện thời chiến tranh để viết thêm cho chuyên trang Truyền thống của Báo Phú Yên. Chú Tám suy nghĩ một lát rồi nói: Bố có cái này đưa con đọc rồi con muốn viết gì thì viết (ông thường xưng hô bố, con với những ai bằng tuổi con cháu). Ông đưa cho tôi một cuốn nhật ký bìa cứng khổ 22x27cm hơi cũ, giấy đã ngả màu.

 

Cuốn nhật ký cuốn hút tôi bởi cách trình bày, các ký họa cũng như nét chữ thời trẻ khá mềm mại của ông. Sau trang bìa, phần nội dung được ông chia thành nhiều phần khác nhau khá công phu như: Khi thấy được chân lý, Trưởng thành, Tôi có Bác Hồ, Biết ơn Đảng, Ra trận, Xuân chiến trường, Tình quê, Quê hương… Ông kể về cuộc sống của những người lính, trong đó có ông, đang chiến đấu trên các chiến trường Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình. Nói đến Quảng Trị người ta nhớ ngay đến vùng “chảo lửa” mà quân xâm lược Mỹ đã trút hàng ngàn tấn bom đạn mỗi ngày. Càng đọc, tôi càng thấy thấm thía cuộc sống của người lính phải chịu biết bao gian khổ hy sinh trong khói lửa chiến tranh. Ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng trong họ luôn chất chứa một tinh thần lạc quan vô bờ của người chiến sĩ cách mạng và thấm đẫm một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 người con ở quê hương Hòa Hiệp (Đông Hòa) anh hùng, từ nhỏ cậu bé Thưởng đã phải chứng kiến cảnh tang tóc đau thương do Mỹ ngụy gây ra trên quê hương mình. Có lẽ từ đó đã hun đúc nên lòng căm thù giặc mà như chính ông sau này nhớ lại: “Bốn ngày nữa là tết cổ truyền dân tộc (1965), địch mở cuộc càn quét dưới sự yểm trợ của 30 trực thăng, 6 phản lực, trên 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng chất độc hóa học. Chúng đánh vào làng, 273 ngôi nhà bị phá hủy, 158 người chết (cả người già lẫn trẻ em), một cảnh tượng đảo lộn ghê gớm xơ xác, tàn khốc. Nợ máu đó, căm thù đó phải được trả bằng máu…”. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, lòng căm thù giặc cao độ cùng với tình yêu quê hương đất nước đang ngày đêm rên xiết dưới gót giày Mỹ ngụy đã được ông và đồng đội biến thành sức mạnh tiêu diệt địch dù lực lượng của chúng có đông gấp bội: “Trước một lực lượng gấp 15/1, Thưởng vẫn tin bằng sức mạnh, lòng căm thù vì quê hương vì bà con ruột thịt. Đồng bào ta đó, đang kêu to và rên xiết thúc giục đơn vị: Quyết đánh đến thắng lợi cuối cùng. Suốt ngày đêm, đơn vị đánh trả 8 đợt tấn công diệt 152 tên, thu nhiều súng”.

 

biasach130429.jpg
Bìa cuốn nhật ký - Ảnh: H.ANH
Tình yêu quê hương đất nước được ông cụ thể hóa trong những dòng nhật ký khi viết về đồng đội, về mẹ, là những người thân yêu nhất. Trong phần Ra trận, những cái tên như: Sửu, Mẫn, Minh, Vinh, Hồng được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần - đó là tên của các đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử với ông và trong số đó có người đã ngã xuống. Kìm nén đau thương trước sự hy sinh của đồng đội để biến thành sức mạnh, quyết diệt sạch địch trả thù cho đồng đội: “Với thế trận pháo gầm đạn rít, bộ binh ào ạt tấn công. Cuốn phăng đi hàng rào sắt, tầng tầng lô cốt. Bọn chúng kinh hoàng khiếp vía xô nhau ra đầu hàng: 365 tên”.

 

Ông đã dành nhiều trang trong cuốn nhật ký để nói về mẹ, thể hiện tình cảm sâu sắc nhất của một người con phải xa người mẹ thân yêu đang ở quê nhà. Hình ảnh của người mẹ luôn hiện diện trong tâm trí ông mọi lúc mọi nơi: trên đường ra trận, lúc tiến vào đồn giặc, trong từng giấc ngủ cũng như trên từng bước đường công tác… “Con nhớ má trong bóng đêm đứng gác, con nhớ má khi nhảy qua lớp lớp hàng rào kẽm gai đánh vào đồn giặc. Biết bao giấc ngủ con giật mình kêu má, má ơi!”. Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông đảm nhận những vị trí cao hơn trong quân đội, ông vẫn luôn nhớ lời dặn dò của mẹ: “Tổ chức tin con, giao cho con làm người cán bộ. Con đã làm theo quyết tâm và tình thương của má. Trong chiến đấu đạn thù xuyên qua da thịt, con vẫn xông lên hoàn thành nhiệm vụ…”.

 

Gấp cuốn nhật ký lại nhưng những tên đất tên làng, những vùng quê ông đã sống và chiến đấu luôn hiện diện trong tâm trí tôi. Ở đó cuộc sống của những người lính phải giành giật với quân thù từng giây từng phút nhưng họ đã sống và chiến thắng, bởi ở họ có một tình yêu quê hương đất nước hơn bao giờ hết. Đó là những tư liệu quý có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay.

 

HÀ THU

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tuy mới 16 tuổi nhưng ông Đặng Phi Thưởng đã lên đường nhập ngũ. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông tham gia chiến đấu ở Phú Yên, Quảng Trị và đã để lại một phần thân thể trên chiến trường. Ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ ba lần liên tục, là một trong năm gương mặt tiêu biểu toàn miền Nam tham dự Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Bungari năm 1968. Trước khi nghỉ hưu, ông đã giữ nhiều cương vị chủ chốt như: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hấp dẫn bãi Gốc
Chủ Nhật, 14/04/2013 15:00 CH
Đánh giặc bằng… rựa
Thứ Sáu, 12/04/2013 14:30 CH
Tiêu diệt 2 trung đội bảo an địch
Thứ Sáu, 12/04/2013 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek